CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.

Lên phương án nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết

 Trao đổi với báo chí về vấn đề cung- cầu thịt lợn,  Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để giảm thiệt hại. Ban Bí thư và Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao để giảm thiểu thiệt hại của dịch tả lợn châu Phi ở mức thấp nhất có thể.

Ông Tiến cho biết, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay, số lợn buộc tiêu huỷ là 152.000 con, giảm 65% so với tháng 10/2019 và giảm 88% so với tháng 5/2019 – là tháng cao điểm. Đã có hơn 60% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó có 14 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu là 54.000 tấn. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý tới đây, đồng thời có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và đảm bảo hải hoà lợi ích giữa các bên.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng,  thịt lợn là một trong những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Do vậy, Bộ Công thương luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.

"Do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao. Đến giờ phút này nếu chúng ta không cẩn trọng, tới dịp Tết và cả sau Tết thì vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế. Với Trung Quốc, chúng ta đã biết là giá thịt lợn tăng 100% vào tháng 9-10, ảnh hưởng đến 1% của GDP Trung Quốc." Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh và cho biết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp cũng đã có chỉ đạo đề nghị Bộ NN&PTNT tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để cùng với Bộ Công Thương có phương án nhập khẩu thịt lợn ở các nước có thương mại hai chiều với nước ta.

Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời câu hỏi của báo chí

 

Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến condotel

"Liên quan đến vệc kinh doanh condotel cũng như việc chủ dự án Cocobay phá vỡ cam kết mức lợi nhuận với khách hàng, Trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý việc kinh doanh condotel như thế nào để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng?  Ngoài ra Bộ TN&MT cũng như Bộ Xây dựng khi nào hoàn thiện quy chế quản lý, quy định liên quan đến condodel?" là câu hỏi mà phóng viên báo Zing.vn đặt ra cho lãnh đạo Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên – Môi trường

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng: Thứ nhất, loại hình căn hộ du lịch được phát triển từ những năm 2015, và cao trào là những năm 2016, 2017. Đến năm 2018, 2019 thì gần như giảm mạnh. Các dự án phát triển condotel năm 2019 giảm khoảng 8% so với cao điểm 2017, giao dịch căn hộ giảm một nửa do thị trường có sự điều tiết. Tổng số căn hộ condotel tích lũy ước chừng khoảng hơn 30.000 căn hộ. Đây là sự phát triển của thị trường hình thành căn hộ vừa để nghỉ dưỡng nhưng lại có đặc điểm là sở hữu của chủ thể trong tổng thể của một khách sạn. Đấy là sự phát triển của thị trường bất động sản.

Hiện nay loại hình này có mấy vướng mắc: Một là hành lang pháp lý. Hiện nay chỉ có Luật Du lịch có quy định về cơ sở lưu trú du lịch, bao gồm biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Các pháp luật có liên quan như kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai thì chưa có định danh của mặt hàng này, dẫn đến việc hành lang pháp lý chưa có. Thứ hai là vấn đề kèm theo việc cấp giấy chứng nhận sở hữu loại hình này cũng chưa có. Thứ ba là quy định về vận hành, quản lý condotel trong các luật bất động sản cũng chưa được rõ. Chúng ta mới có quy định về nhà ở, quy định về văn phòng… chứ condotel thì chưa. Thứ tư là trên thị trường xuất hiện những cam kết của nhà đầu tư đầu tiên lẫn nhà đầu tư thứ cấp, trong đó liên quan đến vấn đề lợi nhuận, dẫn đến việc không đủ khả năng chi trả, mất cân đối trong thị trường.

Về công tác nhân sự, trả lời câu hỏi của phóng viên rằng, sau khi bà Nguyễn Thị Kim Tiến chuyển công tác, ai sẽ là người thay thế vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 22/11, Quốc hội đã ra Nghị quyết miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trên cơ sở tờ trình đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Bộ Chính trị đã có quyết định phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Như vậy là đồng chí Phó Thủ tướng sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ việc liên quan đến lãnh đạo, tổ chức hoạt động cũng như tất cả hoạt động của Bộ Y tế.

"Chúng ta biết rằng, công tác cán bộ là công tác của Đảng, thực hiện theo quy định của Đảng, của Nhà nước, vấn đề phân cấp, vấn đề quản lý là quy trình được tiến hành rất chặt chẽ gồm 5 bước về nhân sự, quy chuẩn, tiêu chuẩn các chức danh… Hiện nay, các cơ quan của Đảng, của Chính phủ đang thực hiện theo đúng quy trình.", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói

Trước tình hình này, ngay từ năm 2017, Bộ Xây dựng cùng với các tỉnh, thành phố cũng đã có báo cáo, cảnh báo sự phát triển quá nóng của thị trường này trong khi một số cơ sở pháp lý chưa chắc chắn. Năm 2018, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các tỉnh thành phố, đặc biệt các địa phương xuất hiện nhiều condotel, lưu ý trong việc thẩm định chủ trương đầu tư. Đặc biệt với condotel phải chú ý vấn đề chỉ tiêu dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tránh việc biến thành nhà ở.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, có Chỉ thị số 11 vào tháng 4/2019 về việc phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trong đó có condotel, giao 2 nhóm nhiệm vụ. Nhóm thứ nhất là hoàn thiện cơ sở pháp lý, giao Bộ Xây dựng hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến condotel và các quy chế liên quan đến việc vận hành condotel và tiến tới sửa đổi hệ thống pháp luật. Thứ hai là giao cho Bộ VHTT&DL ban hành quy chế quản lý kinh doanh loại hình này. Thứ ba là giao Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất và cấp quyền sử dụng đất đối với condotel. Tất cả những văn bản này yêu cầu phải xong trong tháng 12/2019 để tạo hành lang pháp lý.

"Về thị trường, việc cam kết lợi nhuận giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp là quan hệ thị trường, quan hệ dân sự. Nhưng trước tình hình này, cơ quan nhà nước cũng có mấy đề xuất.  Thứ nhất là phải minh bạch thông tin tình hình triển khai condotel, rồi nguy cơ trong các cam kết lợi nhuận của condotel để các nhà đầu tư thứ cấp hình dung được.Thứ hai là thông qua các hiệp hội để có cảnh báo. Hiệp hội Bất động sản vừa rồi cũng có cảnh báo là đúng ra lợi nhuận của condotel chỉ nên ở trên mức lãi suất của ngân hàng.Thứ ba là ngân hàng dự kiến sẽ kiểm soát chặt nguồn đầu tư tín dụng cho phát triển bất động sản, trong đó có condotel. Thứ tư, chúng tôi có thể sẽ kiến nghị ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp của condotel, trong đó quy định quyền và trách nhiệm của người bán và người mua", Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh