Đoạn tuyệt với ma túy, trở thành điểm tựa cho gia đình
- Pháp luật
- 15:47 - 01/08/2023
Gặp gỡ anh Quyết trong căn nhà nhỏ tại phường Tây Tựu, anh cởi mở chia sẻ câu chuyện của bản thân trong quãng thời gian sa vào tệ nạn ma túy và hành trình “chiến đấu” để cai nghiện thành công. Anh cho biết, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình tệ nạn ma túy ở nước ta bắt đầu phức tạp. Không may mắn, anh Quyết đã trở thành một nạn nhân khi tệ nạn ma túy hoành hành.
Năm 1998 vợ chồng anh kết hôn và hạ sinh con gái đầu lòng. Tuy đã xây dựng gia đình nhưng tại thời điểm ấy vì chỉ học hết lớp 4 nên anh không có một công việc ổn định, thường xuyên vắng nhà và sa vào cờ bạc. Cũng từ đây, anh gặp gỡ giao du với nhiều người bạn xấu rồi dính vào tệ nạn ma túy. Từ đây, cuộc sống của anh tiếp tục trượt dài với heroin trong suốt hơn 10 năm trời.
Với sự động viên của cơ quan chính quyền và Đội công tác xã hội tình nguyện phường Tây Tựu, anh đi cai nghiện tại Cơ sở Cai Nghiện Số 06 (Sóc Sơn, Hà Nội). Đến năm 2010, anh trở về địa phương và tiếp tục điều trị bằng thuốc Methadone. Sau hành trình dài cai nghiện, để không tiếp tục quay lại con đường lầm lỡ, những người như anh Quyết phải đấu tranh với rất nhiều cám dỗ bên ngoài.
Thế nhưng, điều khó khăn hơn cả lại chính là sự mặc cảm, tự ti của những con người lầm lỡ “Khi mình trở về địa phương, mặc dù được sự giúp đỡ, động viên từ bà con làng xóm, không ai kỳ thị hay xa lánh vì mọi người đều hiểu hoàn cảnh của mình. Thế nhưng, chính bản thân mình lại luôn cảm thấy e ngại, xấu hổ với mọi người xung quanh” - anh tâm sự.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng là có công ăn việc làm ổn định. Vì vậy, ngay sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện bắt buộc, anh Quyết đã được chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều trong quá trình tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Cụ thể, anh đã được Hội nông dân và Chi hội phụ nữ của phường hỗ trợ vay vốn làm ăn, cũng như định hướng nghề nghiệp. Hiện tại, vợ chồng anh đã có một cuộc sống ổn định với nguồn thu nhập chính tới từ việc trồng trọt, buôn bán hoa và các sản phẩm nông sản.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, chi hội phó chi hội phụ nữ tổ 1 (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ : “Không chỉ riêng anh Quyết mà trên địa bàn phường đã có rất nhiều trường hợp người cai nghiện ma túy được hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm ổn định, tránh tái nghiện. Bên cạnh việc hỗ trợ về mặt kinh tế, động viên tinh thần với người sau cai nghiện cũng rất được chú trọng. Vào các dịp lễ Tết hay khi chi hội có các hoạt động sinh hoạt văn nghệ, anh Quyết thường xuyên được mời tới giao lưu nhằm tăng thêm sự hòa đồng, xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm”. Chính sự giúp đỡ nhiệt tình, thân thiện của bà con làng xóm đã dần xóa bỏ sự e ngại trong anh Quyết.
Trên hành trình chiến đấu với ma túy của anh Quyết, bên cạnh sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và người dân xung quanh, không thể không nhắc tới sự đồng hành của các thành viên trong gia đình. Theo anh, gia đình chính là nguồn động lực lớn nhất để mình quyết tâm cai nghiện thành công.
Những sai lầm của mình trong quá khứ cũng chính là những bài học quý báu để anh giáo dục con cháu trong gia đình tránh xa ma túy. “Tôi luôn dặn các con phải biết chọn bạn mà chơi, tránh để rơi vào trường hợp “cá diếc theo đàn” như mình. Và quan trọng hơn cả là tìm được một công việc để ổn định cuộc sống. Hiện tại, cả hai con của tôi đều đã lập gia đình và có công ăn, việc làm ổn định” - Anh Quyết chia sẻ.
Thành công của anh Nguyễn Đăng Quyết trong hành trình từ bỏ ma túy không chỉ là câu chuyện nhỏ tại phường Tây Tựu, mà nó sẽ tiếp tục được lan tỏa tới nhiều nơi khác. Truyền cảm hứng và tạo động lực cho những ai lầm lỡ, trót sa chân vào con đường “trắng” tiếp tục chiến đấu và tái hòa nhập với cộng đồng, xã hội.