CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:13

Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh:Nơi bảo tồn, phát huy bẳn sắc văn hóa Khmer Nam bộ

 

1. Khi mới thành lập, lực lượng của Đoàn chỉ có khoảng 40 người, chủ yếu dàn dựng, biểu diễn loại hình sân khấu Dù kê, múa truyền thống Khmer, múa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và những ca khúc cách mạng được hát bằng hai thứ tiếng Việt, Khmer. Hưởng ứng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, tất cả cán bộ, nghệ sĩ trong Đoàn đã dấn thân không ngại khó khăn gian khổ, hy sinh tính mạng của mình để đi tới những nơi ác liệt của cuộc chiến phục vụ, động viên đồng bào, chiến sĩ kiên cường bám trụ giữ từng tấc đất nơi phum, sóc quê hương. Những năm tháng ấy, “dù đạn bom man rợ thét gào”, cũng không thể át được lời ca tiếng hát của Đoàn. Những vở ca kịch Dù kê  “Nghĩa tình trong giông tố”, “Thạch Sanh - Lý Thông”, “Giữ đền cô Hia”, “Mối tình Bopha - Rạng xây”, “Bông hồng Trà Vinh”, những vũ điệu dân gian Sa dam, Chhu Chhai, Răm Vông, Lâm Thôn và những ca khúc cách mạng được hát bằng hai thứ tiếng Việt, Khmer vẫn luôn vang lên, dìu dặt làm say đắm lòng người xem qua từng đêm diễn.     

Từ năm 1975 đến nay, Đoàn ngày càng được củng cố và phát triển mạnh, trở thành một đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp tạo được tiếng vang qua các kỳ tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và toàn quốc nói chung. Hiện nay nhiệm vụ chính của Đoàn là phục vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của đông đảo cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống ở Trà Vinh và các tỉnh, thành Nam bộ. Song song đó, Đoàn cũng là nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer không chỉ ở Trà Vinh, mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy chỉ có hơn 50 cán bộ, đạo diễn, diễn viên, nhạc công, nhưng với tấm lòng say mê trân quý nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, họ đã luôn khổ luyện, phấn đấu nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật các chương trình biểu diễn, tạo sức cuốn hút đối với công chúng.

Hàng năm, Đoàn đều có những chuyến lưu diễn phục vụ góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cộng đồng Khmer kể cả tận vùng sâu, vùng xa trong tỉnh với những chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ. Đặc biệt vào các dịp lễ hội, Tết truyền thống của đồng bào Khmer như Chôl Chnam Thamây, Ok Om Ok, Sel Đol ta (Sêne Đol ta)... Đoàn thường tổ chức những buổi biểu diễn giao lưu với các đoàn, đội nghệ thuật Khmer các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và nước bạn Campuchia... tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật Khmer truyền thống. Trong nhiều lần tham gia Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, với 3 loại hình nghệ thuật: Kịch hát Dù kê, kịch múa và ca, múa nhạc tổng hợp, Đoàn luôn gây được tiếng vang, dành nhiều giải thưởng cao.    

Ảnh trong bài: Một số tiết mục của Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh.             

2. Nổi bật, đặc sắc nhất trong các chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh từ khi lập tới nay chính là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát Dù kê. Ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, nghệ thuật kịch hát Dù kê Khmer được ví như anh em sinh đôi với nghệ thuật sân khấu cải lương của người Việt ở Nam bộ. Người Khmer Nam bộ mê Dù kê như người Việt Nam bộ mê cải lương, vọng cổ vậy. Dù kê với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên thu hút đông đảo công chúng, nhất là đồng bào Khmer Nam bộ rất yêu thích. Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Trà Vinh, ông Sang Sết nhận xét, đề tài và nội dung kịch bản của sân khấu kịch hát Dù kê rất phong phú, mang tính xã hội cao và tính giáo dục sâu sắc.

 Những nhân vật điển hình được khắc họa bằng hình tượng nghệ thuật thông qua cách thể hiện, diễn xuất nhập tâm của các nghệ sĩ, nghệ nhân bao giờ cũng cuốn hút người xem, khiến người xem đôi lúc như thăng hoa, như hòa mình vào số phận của nhân vật trên sân khấu. Hơn nủa thế kỷ qua, các thế hệ diễn viên, đạo diễn, soạn giả của Đoàn đã cung phu dàn dựng biểu diễn trên 50 vở kịch hát Dù kê mang nội dung dựa theo những truyền thuyết, truyện cổ dân gian và cập nhật những vấn đề đang diễn ra trong  xã hội đương thời. Trong đó có nhiều vở do chính Nghệ sĩ ưu tú, Phó trưởng Đoàn phụ trách nghệ thuật Thạch Sung biên kịch và chỉ đạo dàn dựng, được giới nghiên cứu sân khấu đánh giá cao về chất lượng nội dung, nghệ thuật góp phần bảo tồn, phát huy sự tinh tế, tính nhân văn sâu sắc của sân khấu kịch hát Dù kê. Đáng kể nhất là các vở: “Hoàng tử Chaysoryvong”, “Truyền thuyết Takta”, “Lưỡi kiếm oan nghiệt”, “Nghĩa tình không phai tàn”.

Có thể nói, biên soạn, dàn dựng, biểu diễn loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát Dù kê chính là linh hồn tạo nên tiếng vang của Đoàn Nghệ thuật Khmer ABM Trà Vinh. Ý thức rõ điều ấy, ngoài công tác tổ chức biểu diễn, Đoàn còn luôn quan tâm tới công tác đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa có trình độ cao về chuyên môn để bổ sung cho Đoàn và cho các câu lạc bộ sân khấu kịch hát Dù kê trong vùng đồng bào Khmer ở địa phương. Các Nghệ sĩ ưu tú danh tiếng như: Thạch Sung, Thạch Thị Thane, Kim Thị Chanh Tha là những người có nhiều tâm huyết, công sức trong việc truyền nghề đào tạo nên nhiều thế hệ diễn viên trẻ tài năng cho sân khấu kịch hát Dù kê ở Trà Vinh và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo Nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung, học biểu diễn Dù kê không dễ, vì đòi hỏi người thể hiện phải có năng khiếu toàn diện về ca, múa, cảm thụ văn học, âm nhạc và nghệ thuật diễn xuất. Chính vì thế người theo nghề phải có sự đam mê thật mãnh liệt với sân khấu kịch hát Dù kê truyền thống dân tộc mình. Hiện nay đội ngũ sáng tác cho sân khấu kịch hát Dù kê không nhiều, bởi đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi người viết phải hội đủ trình độ chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn Dù kê. Trong bối cảnh ấy, sự duy trì và không ngừng phát triển của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh Trà Vinh thật xứng danh Anh hùng.

Lương Định

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh