Đoạn cuối cuộc đời
- Pháp luật
- 20:50 - 14/08/2016
Bị cướp, lại thành tử tù
Ngày 11/8/2016, cơ quan chức năng đã chính thức tổ chức xin lỗi và chính thức tuyên bố ông Trần Văn Thêm vô tội.
Trong niềm vui vô bờ bến của bản thân và dòng họ sau hơn 40 năm bị hàm oan, nhưng trong đôi mắt ông Thêm vẫn là nỗi buồn sâu thẳm. Điều này cũng chẳng lạ bởi nỗi oan khuất của ông kéo dài gần nửa thế kỷ. Căn nhà cấp 4 cũ kỹ xây đã gần 20 chục năm dường như không có thứ gì đáng giá ngoài bàn thờ và chiếc giường để nằm ngủ. Nguyên do cũng bởi vốn liếng dành dụm được bao nhiêu thì gia đình ông lại chi phí vào việc đi kêu oan. Giờ đây, ông đã 81 tuổi, mặt nhăn nheo, đứng không còn vững và trên đầu vẫn hằn in vết sẹo dài sâu lõm sau đỉnh đầu. Ông cho biết, đấy là vết sẹo bị “cướp đánh” trong đêm định mệnh ấy. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, trí nhớ giảm sút nhưng bị kịch mà ông từng trải qua hơn 40 năm trước thì ông nhớ như in đến từng chi tiết.
Rưng rưng nước mắt, ông Thêm nhớ lại, trước khi xảy ra vụ án, ông và ông Nguyễn Khắc Văn (nạn nhân vụ án) là anh em họ quan hệ thân thiết như hai anh em ruột thịt. Hai anh em ông việc lớn nhỏ trong hai gia đình cũng “ới” nhau giúp đỡ. Vậy mà, sau sự việc, đùng một cái, Tòa án tuyên ông là kẻ sát nhân thì người nhà ông Văn gọi ông Thêm là kẻ giết người. Ông Thêm trở thành kể tội đồ.
Nhắc lại chuyện xưa, ông Thêm òa khóc như một đứa trẻ.
Theo lời ông Thêm, tháng 7/1970, ông và em họ là ông Nguyễn Khắc Văn đi xe đạp thồ từ Bắc Ninh lên huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) để thu mua quả trám đen. Thường ngày, hai anh em ông đến nhà một người quen ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương ngủ trọ qua đêm. Nhưng lần đó, do trong làng có chiếu bóng nên chủ nhà không cho ngủ trọ. Trong lúc bí bách, hai anh em ông đành ra ngủ tại một lều cắt tóc của người dân ven đường đi. “Nửa đêm, tôi dậy cuốn thuốc lá hút. Bỗng nhiên nghe tiếng sột soạt rồi bị vụt mạnh vào đầu. Tôi la lên thì chú Văn vùng dậy nhưng cũng bị đập mạnh vào đầu. Bị đánh bất ngờ, hai anh em tôi chống cự lại thì tên cướp nhảy xuống sông tẩu thoát”- ông Thêm nhớ lại. Do bị đánh mạnh vào đầu, nên đầu ông Thêm và ông Văn đều bị chảy máu. Người dân nghe tiếng kêu cứu chạy đến, đưa đưa cả hai anh em ông vào bệnh viện Tam Dương cấp cứu. Tại đây, do bị thương nhẹ hơn nên công an đã đưa ông Thêm lên trụ sở công an để lấy lời khai. Sau đó, ông Thêm mới biết tin em họ của mình đã qua đời tại bệnh viện do vết thương quá nặng.
Sau đó, cơ quan tố tụng đã quy kết và truy tố ông Thêm về tội giết người cướp của. Mặc dù, sau đó ông liên tục kêu oan nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vẫn đưa ra phán quyết buộc ông phải chịu mức án tử hình.
Sau 46 năm kêu oan, đến cuối cuộc đời ông Thêm mới được minh oan.
Ánh sáng cuối đường hầm
“Sau khi bị tuyên án tử hình, tôi bị giam vào phòng biệt giam dành cho tử tù, bị cùm cả chân lẫn tay suốt cả ngày. Mỗi ngày thức dậy, mỗi tử tù như chúng tôi lại hoang mang bởi mỗi khi cánh cửa buồng giam mở lại có thể có tử tù nào đó phải đi thi hành án và không biết mình sẽ ra đi lúc nào”- ông Thêm nhớ lại. Bị oan khuất và mang tiếng với họ hàng, ông Thêm ngày càng suy sụp. Trong tù, ông nhiều lần viết đơn bằng máu để kêu oan mong thấu đến trời xanh. Dù đau đớn nhưng sâu thẳm, ông Thêm vẫn giữ vững niềm tin rằng đến một ngày nào đó mình sẽ được minh oan. Đau buồn hơn, khi đang ngồi thụ án sau song sắt nhà tù thì bố đẻ ông Thêm qua đời. Mặc dù rất thương cha, nhưng ông không thể về nhà chịu tang đành mang thêm tội bất hiếu với bậc sinh thành.
Thế rồi may mắn cũng mỉm cười, khi ông Thêm đang nằm trong phòng biệt giam để chờ ra pháp trường xử bắn thì vào năm 1975, hung thủ thật sự của vụ án là đối tượng Phùng Thanh Nhàn (trú tại Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc) ra đầu thú. Bị kết án và ngồi tù oan nhưng khi ra tù không được ngành chức năng minh oan nên ông Thêm vẫn mang danh là kẻ giết em họ để cướp của. Khi trở về ông, không có giấy tờ gì ngoài tờ giấy miễn lao động nặng. Khi mới xuống xe sau chuyến đường dài từ nhà tù về, mặc dù mệt sắp ngã quỵ nhưng ông Thêm vẫn gắng gượng ra mộ cha thắp hương. Trước vong linh người cha quá cố, ông Thêm khóc như một đứa trẻ mồ côi. “Tôi còn nhớ khi trở về, người nhà ra đón chỉ nghe tiếng khóc ầm ĩ mà chẳng biết ai là con ai là cháu”- ông Thêm kể, vì rằng ông đã bị tạm giam là 6 năm 6 tháng 7 ngày. Người trong gia đình đã tưởng ông bị xử bắn rồi.
Cuộc sống trong ngục tù của một tử tù khốn khổ đã đành, nhưng được tự do, cuộc sống của ông Thêm và gia đình cũng cay đắng, nhục nhã không kém. Từ ngày ông bị kết án, bà con chòm xóm cũng dè bỉu. Các con ông lần lượt bỏ học vì gia đình nghèo và vì không chịu được áp lực dư luận. Ngay cả con gái ông cũng gian nan trong việc lấy chồng vì mang tiếng là con kẻ giết người.
Hồi mới ra tù, cả mấy tháng trời, lúc nào ông cũng ngồi ru rú trong nhà, không dám ra ngoài vì cứ thò đầu ra đường là người ta lại dè bỉu, chửi bới. Cũng bởi bị bắt, kết án tử hình, khi tha tù không được minh oan thì người nhà nạn nhân và người làng lại kháo nhau rằng “chắc đút lót nhiều tiền lắm mới được tha, chứ án tử hình phải xử bắn”. Nhiều lúc ông đã nghĩ đến cái chết, nhưng rồi ông nghĩ phải cố gắng sống, để minh oan cho chính mình, lấy lại danh dự cho gia đình, dòng họ.
Người làng nói mãi cũng chán nhưng gia đình ông không thể chơi với ai trong làng vì họ rủ nhau tránh xa kẻ sát nhân. Vượt qua sự mặc cảm, ông lần mò đi làm thuê khắp nơi để lấy tiền nuôi gia đình và làm lộ phí cho hành trình đi kêu oan của mình. Khó khăn chồng chất khó khăn, sau khi sinh đứa con út được một thời gian thì vợ ông lại bị bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Mà lý do ông cho rằng do vợ mình quá khổ tâm vì ông và kiệt sức vì một mình nuôi 5 đứa con khôn lớn.
Có lẽ điều khiến ông Thêm khổ tâm nhất là việc người vợ nạn nhân cũng chính là em dâu của ông vẫn đinh ninh rằng ông giết chồng mình. Đến lúc chết rồi, mối hiềm nghi đó vẫn còn chưa dứt mà truyền cho con cháu.
Được tha sau 6 năm ngồi tù oan chịu bao cay đắng, hành trình tìm lại công lý, tìm lại danh dự cho mình, gia đình và dòng họ cũng vất vả gấp bội. Con cái, người thân đều nghèo và ít hiểu biết, ông Thêm đã nhờ người cháu ruột là Trần Văn Năm đưa mình đi khắp các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương kêu oan. Trong tay không có cáo trạng hay bản án nên khi ông Thêm gõ cửa rất nhiều cơ quan tư pháp nhưng các cơ quan này lại chỉ hết cơ quan này, đến cơ quan khác.
Sau khi kêu oan ở Hà Nội không được, ông Năm cùng người nhà đến TAND tỉnh Vĩnh Phú để xin trích lục bản án nhưng tòa trả lời hồ sơ không còn. Lần mò hỏi được địa chỉ nhà bà Tạ Thị Minh Tâm (chủ tọa phiên tòa kết án ông Thêm) may thay bà Tâm đã ký vào giấy xác nhận đã xử ông Thêm về tội giết người cướp của. Sau đó, ông Năm tìm thêm được hai cán bộ công an trực tiếp điều tra vụ án là ông Cù Văn Tiện- nguyên phó trưởng ban chỉ huy cảnh sát hình sự, công an tỉnh Vĩnh Phú, và ông Hoàng Xuân Diệu - nguyên cán bộ Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú. Cả hai đều làm đơn xác nhận họ từng điều tra vụ án của ông Thêm. Những bản xác nhận của nhân chứng vẫn không thể giúp ông Thêm được minh oan vì các cơ quan không tìm thấy hồ sơ vụ án.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, ông Thêm ngày càng già yếu. Kinh tế cạn kiệt, nhiều lần đi kêu cứu ông Thêm phải vay nặng lãi để làm lộ phí đi đường. Gắng gượng đến kiệt sức nên không thể tiếp tục cuộc hành trình kêu oan cho mình. Biết được nỗi oan khuất trên, luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã nhận trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông. Ông Trần Văn Hòa - một thương binh tại Hà Nội, cũng đứng ra làm người đại diện theo ủy quyền để thay mặt ông Thêm đi gửi đơn kêu oan.
Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là phải tìm được hai bản án kết tội ông Thêm vì có bản án thì cơ quan tố tụng mới chịu giải quyết vụ việc. Luật sư và người nhà ông Thêm đã gửi đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án tới công an tỉnh Bắc Ninh. May mắn thay, các cơ quan chức năng ở Bắc Ninh vẫn còn lưu giữ hai bản án kết tội ông Thêm. Sau khi được sao y hai bản án, luật sư và người thân của ông thêm đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan Trung ương giải quyết.
Hành trình kêu oan kéo dài 43 năm đã rồi cũng tới đích. Chiều 9/8/2016, các cơ quan tố tụng đã đi đến thống nhất, đối với vụ án này cấp sơ thẩm đã khởi tố, truy tố về tội giết người đối với ông Trần Văn Thêm vào năm 1970 là oan sai: có đủ căn cứ kết luận bị can Trần Văn Thêm không giết ông Nguyễn Khắc Văn vào ngày 23/7/1970. Thay mặt liên ngành tư pháp Trung ương, ông Trần Văn Tuân- Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi đối với ông Thêm là người bị kết án oan.
...Sau 46 bị oan và kêu oan, đã ở cái tuổi gần đất xa trời, đời người như ngọn đèn trước gió, giờ mới được minh oan và công nhận là người lương thiện nhưng ông Thêm vẫn tin rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm.