Đỗ Nhật Nam: 'Tôi tự hào là người Việt'
- Giáo dục nghề nghiệp
- 00:10 - 13/12/2015
Sáng 12/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp mặt 364 đại biểu dự Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần 2, tại Hà Nội. Bước vào phòng họp Diên Hồng, ông tươi cười bắt tay các đại biểu nhỏ tuổi, ân cần hỏi thăm việc học.
Đỗ Nhật Nam tự tin bày tỏ ý kiến trước Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu khác. Ảnh: Giang Huy. |
Không chuẩn bị trước bài phát biểu, Đỗ Nhật Nam (14 tuổi) khiến cả hội trường ấn tượng bởi phong thái tự tin, khả năng nói lưu loát. Cậu hiện là du học sinh tại trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ). Để dự đại hội, Nam trở về nước từ ngày 9/12 rồi quay trở lại ngay sau khi kết thúc để đảm bảo việc học.
Nhật Nam chia sẻ khi còn bé luôn mong muốn được du học để có thể hòa nhập với những nền văn hóa mới. Nam phải nỗ lực bằng cách chuẩn bị cả vốn Tiếng Anh lẫn hiểu biết văn hóa, cố gắng rèn luyện tính tự lập, sự tự tin để đến khi sang Mỹ có thể hòa nhập với môi trường ngay mà không bị bỡ ngỡ.
“Dù vậy, lúc đó cháu mới 13 tuổi thôi, có nhiều khó khăn, trở ngại gặp phải. Điều giúp cháu có thể tiếp tục phấn đấu là luôn có một tình yêu tổ quốc sâu đậm. Sâu trong lòng, cháu mong muốn chứng tỏ với các bạn năm châu rằng người Việt Nam không thua kém với các nước khác", Nhật Nam chia sẻ.
Nhật Nam bảo trong suốt quá trình đó, cậu phải phấn đấu rất nhiều, để có thể trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất toàn bang, có nhiều bằng khen, được thầy cô, bạn bè bên đó ghi nhận. Khi về nước nghỉ hè, Nhật Nam dạy tiếng Anh miễn phí cho gần 1.000 học sinh.
"Cháu luôn luôn rất tự hào nói với bạn bè rằng mình là người Việt Nam. Hy vọng mỗi người đi xa đều có một Việt Nam ở trong tim mình và dùng lòng yêu nước như một động lực để phấn đấu", cậu học trò nói và nhận thức rõ rằng, được sống trong hòa bình nhờ hy sinh của nhiều thế hệ cha anh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Tình yêu tổ quốc là nền tảng cho tài năng phát triển". Ảnh: Giang Huy. |
Cùng với Đỗ Nhật Nam, tiến sĩ Nguyễn Xuân Nhiệm, chị Đinh Thị Bích Châu, anh Phan Thanh Sang thay mặt cho tài năng trẻ ở các lĩnh vực khoa học, doanh nhân trẻ và nông dân trẻ lần lượt nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Các anh, các chị đều mong muốn được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện nhiều hơn để phát triển khoa học, để doanh nghiệp cạnh tranh được khi đất nước hội nhập TPP; làm sao để nông nghiệp phát triển, có năng lực cạnh tranh với nông nghiệp các nước khác.
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, những ý kiến ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều hoài bão lớn lao. "Các bạn nói sắc sảo như đại biểu Quốc hội. Nếu đại biểu mà trẻ thế này thì tốt quá", ông khen.
Trò chuyện thân tình với các tài năng trẻ như cha ông trong nhà dặn dò con cháu, ông nói: "Chúng ta gặp nhau ở đây, giữa phòng họp Diên Hồng này để tôn vinh các tài năng trẻ từ đủ thành phần, nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức, nhà khoa học… Đây đều là những đại biểu cho ý chí vươn lên của người Việt".
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng nói vươn ra thế giới là điều đơn giản nhưng không dễ dàng khi thực hiện. Chúng ta đi thi gì thì giật giải đó, huy chương vàng quốc tế, giải nhất quốc gia…nhưng liệu đã thành hiền tài? Khi doanh nghiệp loay hoay trước hội nhập; nông nghiệp phải cạnh tranh với nông nghiệp Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, thậm chí có những sản phẩm phải cạnh tranh với Lào, Campuchia?
Hơn 350 đại biểu chụp ảnh cùng chủ tịch Quốc hội trước tòa nhà Quốc hội. Ảnh:Giang Huy. |
Nhắc lại câu nói của cha ông "phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi trí bất hưng", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở lớp trẻ nếu không học hành, không vươn lên, không là người có tri thức thì đất nước không giàu lên được.
"Văn không ôn, võ không luyện thì không làm gì được đâu. Không có con đường nào vất vả bằng rèn luyện để thành tài", ông căn dặn.
Trong khuôn khổ đại hội, sáng nay, đoàn đại biểu đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan tòa nhà Quốc hội. Đại hội diễn ra từ 11 đến 13/12 với sự góp mặt của nhiều đại biểu là đại diện xuất sắc của thanh niên Việt Nam trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nhiệm, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam: - Tôi ước mơ ngày nào đó đất nước có đủ nhân lực, vật lực để phát triển, đặc biệt là ngành khoa học công nghệ kỹ thuật cao. Khoa học là điểm mấu chốt thay đổi tương lai, là điểm tựa thay đổi hành vi, cộng đồng, xa hơn là sự hưng thịnh của quốc gia. Cái mà chúng tôi cần nhất hiện nay là những trang thiết bị có thể dùng được và môi trường để hiện thực hóa ước mơ. Doanh nhân trẻ Đinh Thị Bích Châu: - Gia nhập TPP, chúng tôi sẵn sàng đổi mới, đối mặt thoải mái, bước vào với tư thế sòng phẳng. Hy vọng nhà nước tạo điều kiện cho chúng tôi để có thể "bơi" đến đích trong cuộc gia nhập này, chứ không phải có được tấm vé rồi chìm giữa đường. Nông dân trẻ Phạm Thanh Sang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt: - Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để các nhà khoa học trẻ có những đề tài khi đưa ra có tính hiện thực cao, hiệu quả, nhất là những đề tài áp dụng sản xuất công nghệ cao vào trong nông nghiệp. |