Đồ chơi Trung thu truyền thống “soán” ngôi hàng Trung Quốc
- Huyệt vị
- 14:22 - 12/09/2019
Đồ chơi Việt đa dạng mẫu mã, màu sắc
Mấy năm trở lại đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế của mình trên thị trường. Tại một số tuyến phố chuyên bán đồ chơi tại Hà Nội như: Hàng Mã, Lương Văn Can..., khoảng 80% số lượng lồng đèn, đồ chơi liên quan đến Trung thu đều là đồ chơi được sản xuất trong nước với giá cả phải chăng, mẫu mã đa dạng. Tiểu thương ở hàng Mã cho biết, càng sát ngày lễ, lượng khách mua lẻ tăng lên rất nhiều. Trước đó, các đơn hàng chủ yếu là khách đổ sỉ của các tỉnh hoặc vùng lân cận.
Theo các chủ cửa hàng, đồ chơi truyền thống tuy được làm bằng tay nhưng giá không hề đắt. Những món đồ chơi nhỏ, đơn giản có giá chỉ từ 10.000 - 100.000 đồng/sản phẩm thường được mua số lượng lớn để trang trí, tặng hàng loạt trong công ty, cơ quan, trường học… Do hàng Việt được yêu thích và hỏi mua số lượng lớn nên một số cửa hàng tại phố Hàng Mã gần như đã ngừng hẳn bán các mặt hàng đồ chơi từ Trung Quốc. Các cửa hàng khác, các đồ chơi người máy, đèn lồng sặc sỡ từ Trung Quốc cũng được xếp vào trong, nhường chỗ cho các mặt hàng đồ chơi Việt Nam như: Lồng đèn cá chép trông trăng, hoa hướng dương, đèn kéo quân…
Giá một chiếc đèn ông sao có giá từ 15.000 - 100.000 đồng, đèn cù có giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, mặt nạ giấy hình chú Tễu có giá 15.000 - 40.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Các loại đèn lồng Việt Nam đều được làm bằng giấy và vật liệu thân thiện với môi trường, trẻ nhỏ. Ngoài hình cá chép, con gà, con chim quen thuộc, các làng nghề cũng làm đèn hình mèo máy Doremon, mèo Kitty được thiếu nhi ưa chuộng.
Chị Hoàng Thị Nhung, tiểu thương chuyên bán đồ chơi tại phố hàng Mã chia sẻ, những năm gần đây, khách hàng đến lựa chọn đồ chơi truyền thống trong dịp Trung thu cao hơn hẳn những năm trước. Nguyên nhân một phần chủ yếu là do các sản phẩm đồ chơi truyền thống chủ yếu được sản xuất bằng tre, nứa, giấy… nên an toàn và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc lựa chọn đồ chơi của người tiêu dùng hiện cũng mang nhiều ý nghĩa hơn. Đa phần người mua có xu hướng lựa chọn các mặt hàng đồ chơi truyền thống vì tính nhân văn và sự gần gũi với văn hóa truyền thống của người Việt. Trong đó, các sản phẩm đồ chơi như: Mặt nạ chú Tễu, đèn ông sao, đèn lồng giấy, đầu lân, đèn kéo quân… vẫn hút khách nhờ giá thành sản phẩm phù hợp, mang giá trị truyền thống cao.
"Đồ chơi Trung thu được chúng tôi nhập từ khoảng 2 tháng nay. Đầu lân, trống gỗ chủ yếu được nhập về từ làng nghề Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên). Còn đèn ông sao được nhập từ làng nghề làm đèn cổ truyền đất Nam Định là Báo Đáp (Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định)", chị Nhung cho biết.
Thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi
Thay vì mua cho con những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ có màu sắc bắt mắt nhưng giá thành rẻ, thời gian gần đây, chị Nguyễn Mai Trang (Long Biên, Hà Nội) cùng nhiều phụ huynh khác quyết định mua đồ chơi có xuất xứ trong nước. "Tôi chọn mua cho con mình những đồ chơi có xuất xứ từ Việt Nam vì muốn những món đồ chơi phải đảm bảo an toàn. Đồ chơi trong nước chủ yếu được làm từ nguyên liệu thiên nhiên và mang tính giáo dục, không bạo lực. So với các món đồ chơi của các hãng nổi tiếng thì giá thành rẻ hơn rất nhiều", chị Trang chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những thay đổi nhất định trong sản xuất đồ chơi trẻ em. Doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thay đổi mẫu mã, cải tiến các sản phẩm mới hơn, bắt mắt hơn. Đây cũng chính là lý do mà hàng Việt ngày càng được ưa chuộng hơn.
Theo đại diện Công ty CP đồ chơi an toàn Việt, tất cả các đồ chơi của công ty trước khi ra thị trường đều được đem đi kiểm định và đảm bảo chất lượng trước khi ra thị trường. Về chất lượng hạt nhưa, các sản phẩm của công ty đều là hạt nhựa nguyên sinh, không phải là hạt nhựa tái chế.
Cùng với đó, trong khâu sản xuất, sản phẩm không thêm tạp chất và được pha chế phẩm màu theo đúng quy chuẩn an toàn. "Nguyên liệu và sản phẩm đầu ra của công ty đều có nhân viên kiểm tra sản phẩm. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng. Sản phẩm được tiêu thụ trên toàn quốc và chịu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Những năm gần đây, do lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ nên nhiều bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Khá nhiều người cảm thấy yên tâm với đồ chơi Việt Nam vì có nguồn gốc xuất xứ chứ không phải hàng trôi nổi độc hại", chị Hương chia sẻ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc đồ chơi bạo lực lưu thông ra ngoài thị trường nhưng nhiều chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em lại chưa ý thức đầy đủ về tác hại của hành vi nêu trên. Thêm vào đó, không ít các chủ cửa hàng vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh các mặt hàng bị pháp luật cấm, có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hiện nhiều gia đình khuyến khích con mình tiếp cận với những món đồ truyền thống - made in Việt Nam. Đây cũng là điều kiện để thị trường đồ chơi trung thu thuần Việt hồi sinh và phát triển.