THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:21

DN tham gia điều tra TNLĐ sẽ thiếu khách quan

Với 7 chương, 94 điều, Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động cơ bản nhận được sự nhất trí, tán thành của các đại biểu tham gia. Tuy nhiên, đối với gợi ý về 5 vấn đề cần quan tâm lấy ý kiến. Nhiều đại biểu cho rằng, đối với việc mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động, bên cạnh một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi thì để dưa vào luật cần phải có những quy định, chính sách cụ thể hơn. 

Nhiều đề xuất cho dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động được các đại biểu góp ý

Đại biểu Trần Thị Hồng Vân, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, có một số điểm cần phải điều chỉnh để hợp lý hơn, chẳng hạn như tại Điều 2 về đối tượng áp dụng cần bỏ khoản 4 “Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp”, Theo bà Vân, nếu quan tâm đến đối tượng này thì có thể gọi chung là người lao động chứ không nên tách nhóm này ra, hơn nữa lao động là người  nước ngoài cũng có tham gia bảo hiểm y tế và sắp tới có thể là tham gia cả bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, tại điểm b, khoản 3, Điều 6 về Quyền và nghĩa vụ an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, tại dự thảo quy định người lao động“Được tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động”. Bà Vân cũng cho rằng nên làm rõ quy định này, đối với công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là vậy, còn đối với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khác thì như thế nào?... Ngoài ra, đại biểu này cũng đề xuất không nên bỏ nhóm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường bởi họ cũng có tham gia BHYT, BHXH thì tại sao họ lại không được hưởng các chế độ như đối với người lao động bình thường...

Hầu hết công nhân xây dựng nếu cho kiểm tra sẽ mắc bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc nhiều với khói bụi đá, xi măng...

Còn theo đại biểu Cù Đình Thi, Chánh văn phòng Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, tại khoản 1, Điều 36 về điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, trong dự thảo có nêu “Người sử dụng lao động có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động nhẹ, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ 01 người lao động trở lên” là chưa hợp lý bởi nếu giao cho chính chủ sử dụng lao động điều tra sự cố ngay tại đơn vị mình thì rất khó đảm bảo tính khách quan. Chưa kể, trong thực tế có không ít doanh nghiệp gặp sự cố hay để xảy ra tai nạn lao động nhưng không báo cáo với đơn vị quản lý.

Đại biểu này cũng đề xuất, cần điều chỉnh người có trách nhiệm điều tra tai nạn lao động hay sự cố nghiêm trọng. Đặc biệt, thành phần tham gia điều tra cũng nên bổ sung thêm lực lượng y tế, công đoàn cơ sở. Trong đó, công đoàn cơ sở đóng vai trò quan trọng bởi họ là người nắm rõ sự việc xảy ra tại đơn vị mình và đây cũng sẽ là lực lượng giám sát, chi trả các chế độ chính sách cho người lao động sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Tại khoản 2, Điều 58 về Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động, dự thảo luật có quy định người lao động phải có “Biên bản điều tra tai nạn lao động, trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì phải có thêm biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông”, đa số các đại biểu cho rằng đối với quy định này cần phải có sự linh động. Bởi trong thực tế có không ít lao động ở vùng sâu, vùng xa, khi đi làm về vào lúc đêm khuya, hẻo lánh chẳng may bị tai nạn giao thông thì lúc ấy làm sao có thể gọi công an đếnn để lập biên bản hay khám nghiệm hiện trường. Nên chăng cần thay đổi biên bản bằng xác nhận của chính quyền địa phương.

 Về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đại biểu Lê Văn Quang, ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, dự thảo luật quy định “Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại các điểm a,b,c,d,đ,e và khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH” là chưa đủ. Bởi theo đại biểu này bệnh nghề nghiệp trong các lĩnh vực phi chính thức là rất lớn. Đơn cử như trong ngành xây dựng, hầu hết công nhân xây dựng nếu kiểm tra có thể sẽ mắc các bệnh nghề nghiệp do thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi đá, xi măng...thì tại sao không mở rộng cho họ tự mua bảo hiểm bệnh nghề nghiệp tự nguyện...

Tại Hội Nghị, ông Huỳnh Nghĩa, Phó chủ tịch HĐND, trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp thu mọi ý kiến, đóng góp của các đại biểu và sẽ đưa ra ý kiến góp ý tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 5 tới tại Hà Nội. 

Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh