CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Định kiến giới: Rào cản vô hình đối với phụ nữ

 

* Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đi được nửa chặng đường, vậy ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chiến lược?

- Trong 5 năm qua, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới (BĐG) của Chiến lược nói riêng, lĩnh vực công tác BĐG nói chung đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Công tác BĐG đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Việc triển khai Chiến lược được thực hiện tương đối đồng bộ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đã đem lại những hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi về BĐG của các cấp lãnh đạo, cơ quan, tổ chức và nhân dân.

Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, một số mục tiêu quốc gia về BĐG trong lĩnh vực lao động việc làm, giáo dục, y tế đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm Chiến lược đề ra. Tuy nhiên, cũng có một số chỉ tiêu đạt được thấp hoặc khó khăn trong việc thu thập đủ thông tin, số liệu để đánh giá. Cụ thể, qua tổng hợp các số liệu cho thấy, chỉ có 9/22 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra, chiếm tỷ lệ 41%; 5/22 chỉ tiêu được đánh giá là không đạt kế hoạch và 8/22 chỉ tiêu gặp khó khăn trong công tác thống kê, tổng hợp nên chưa có cơ sở để đánh giá chiếm tỷ lệ 36%.

Ông Phạm Ngọc Tiến.

* Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác BĐG và được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, với mục  tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo thì khoảng cách đạt được so với mục tiêu còn khá xa. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ về Tăng cường BĐG và nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ; tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động luôn ở mức cao trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, mục tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo thì kết quả đạt được còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Theo tôi, tình trạng trên là do một số nguyên nhân: Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị về BĐG, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn chưa đầy đủ. Tư tưởng định kiến giới, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân; một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ, trong đó có đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý; thiếu sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích để cán bộ nữ mạnh dạn, tự tin đảm đương vị trí lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó, sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam và nữ.

Nguyên nhân khác mà chúng ta cũng phải thừa nhận, đó là bản thân một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nữ còn tự ti, chưa mạnh dạn, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Ngoài ra, trách nhiệm đối với công việc gia đình cũng là một trong những cản trở để phụ nữ được tham gia và thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội.

* Nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp là do quy định tuổi nghỉ hưu. Vậy theo ông, chúng ta có nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ bằng nam giới?

- Không thể không khẳng định rằng, tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới là một phần của nguyên nhân khiến cho tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý lãnh đạo còn thấp như tôi đã chia sẻ ở trên. Song đây không phải là nguyên nhân duy nhất, chúng ta cần phải nhìn rộng ra các nguyên nhân khác, đặc biệt là định kiến giới - một rào cản vô hình, đã và đang cản trở phụ nữ phát huy năng lực của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Ông Phạm Ngọc Tiến (giữa) tại lễ ký kết dự án nâng cao năng lực triển khai đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chiến lược và chương trình quốc gia về bình đẳng giới.

Đảm bảo quyền bình đẳng của nam và nữ trong lĩnh vực lao động - việc làm là chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ của chúng tôi, những người làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên theo tôi, muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu của nữ bằng nam giới đòi hỏi có một lộ trình phù hợp, để khi chính sách được ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi và nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đồng thời đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu chính đáng của cả lao động nam và nữ. Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào đẩy mạnh công tác truyền thông để dần xóa bỏ định kiến giới, xóa bỏ những rào cản gây bất lợi cho phụ nữ tham gia vào công tác quản lý, lãnh đạo.

* Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sắp diễn ra. Thưa ông, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã và đang triển khai những hoạt động cụ thể nào nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử là 35% trở lên?

- Hoạt động truyền thông nhằm góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo trước thềm Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác truyền thông về BĐG ở lĩnh vực chính trị trong thời gian qua.

Cụ thể: Năm 2015, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam (UBQG) đã ban hành Kế hoạch truyền thông về BĐG trong lĩnh vực chính trị, hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. UBQG đã phối hợp với Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức 5 hội thảo khu vực về “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị”, mục đích đánh giá những thành tựu và khó khăn, thách thức trong việc tăng cường sự tham gia của phụ  nữ vào lĩnh vực chính trị, từ đó có những kiến nghị cụ thể với Đảng, Quốc hội và Chính phủ những giải pháp cần triển khai trong thời gian tới. Các cuộc hội thảo này được xem như một kênh truyền thông hữu hiệu, bởi đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, UBQG cũng đã tập trung vào một số hoạt động truyền thống được tổ chức trước dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, như: Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên nguồn, tập huấn cho các cán bộ nữ tiềm năng tham gia vào các vị trí lãnh đạo, tổ chức tọa đàm về vai trò của truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các cơ quan dân cử.

Đặc biệt, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức và hỗ trợ một số địa phương tổ chức các lớp tập huấn dành cho nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (sau hiệp thương vòng 3); tổ chức tập huấn định hướng truyền thông cho đội ngũ phóng viên các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, nhằm cung cấp thông tin kịp thời để các phóng viên tăng tính nhạy cảm giới khi đưa tin bài liên quan tới cuộc bầu cử; xuất bản và phát hành ấn phẩm truyền thông như: Áp phích cổ động, sổ tay công tác, bút bi để truyền tải thông điệp “Hãy ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021”...

Để đạt được các chỉ tiêu trên, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của các cơ quan chức năng liên quan, chúng tôi rất cần sự đồng hành và cùng vào cuộc của các nhà báo, phóng viên, những người làm truyền thông để truyền tải rộng rãi những thông điệp về BĐG đến cử tri cả nước, ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

* Xin cảm ơn ông !

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh