CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Điều ước nhỏ nhoi của những bệnh nhi ung thư ngày Tết trung thu

Chúng tôi rơi nước mắt khi lắng nghe câu chuyện nhói lòng của những bệnh nhi ung thư ngày Tết Trung thu. Với những bệnh nhi ung thư, có được một món đồ chơi, một cái bánh trung thu, một chiếc lồng đèn… là ước mơ dường như quá “xa xỉ”.

Những bệnh nhi dường như không có ngày Tết Trung thu. Với các em, Tết Trung thu xa vời vợi.

Có mặt tại Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh khuôn mặt trong trẻo, nước da xanh xao, chân tay gầy gò, đầu tóc trọc lóc và chằng chịt những đường ống của những bệnh nhi ung thư khiến ai nấy không khỏi xót xa. Thế mà, trên gương mặt các em lúc nào cũng sáng rực nụ cười hy vọng: “Trung thu đến rồi, em ước gì…

“Con búp bê mới, chứ còn gì nữa đâu…”

Bé Trần Gia Hân (3 tuổi, ở Ấp 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) mang trong mình căn bệnh ung thư sụn mũi thời kỳ cuối. Khối u to bịt kín khoan mũi khiến hơi thở em cũng trở nên khó nhọc. Lúc nào Ngân cũng cúi gầm mặt xuống vì sợ người khác thấy mình xấu xí.

Bé Hân ngày qua ngày phải mang gương mặt "quỷ" cùng căn bệnh ung thư quái ác.

Và mỗi lần cúi xuống trốn tránh là máu mũi lại chảy ra không ngừng. Những lần đó bé lại phải ngửa mặt lên ráng hít hết vào. Cô bé quẹt tay ngang mũi mà  mếu máo: “Máu nữa nè, ngoại ơi.”.

Nhà Hân có 4 chị em gái, em là con thứ ba. Cha mẹ làm nông quần quật cả ngày cũng chẳng lo đủ bữa cơm cho các con. Thế nhưng chuỗi ngày đen tối không chỉ có thế.  Khối u lớn dần trên mặt Hân, làm em đau nhức, khóc ròng suốt nhiều tháng trời. Vay tiền hết “làng trên xóm dưới” đưa đi chữa bệnh nhưng bác sỹ nào cũng lắc đầu.

Vậy là những ngày dài, em nằm lại bệnh viện, 2 ngày là chuyền 2 lít máu đều đặn. Mọi sinh hoạt của em đều xoay quanh giường bệnh, không chạy nhảy cười đùa, khuôn mặt luôn đầy vẻ u sầu…

Hơn 1 năm nằm viện, người chăm sóc Hân là người bà đã ngoài 60. Mỗi lần nhìn Hân đau đớn vì máu chảy nhiều, ứ đọng, không thở được, bà chỉ biết ôm em vào lòng mà dỗ ngọt: “Hân của bà giỏi quá, nín đi, bà mua đầy kẹo, đầy sữa cho mà uống..”

Hỏi về mong muốn của em ngày trung thu này, Hân chỉ nhìn  ra ngoài cửa phòng treo lủng lẵng những chiếc đèn lồng nhỏ rồi “nhọc nhằn” nói từng chữ: “Ước gì em có búp bê mới, chứ còn gì nữa đâu…”

“Có chiếc lồng đèn thật lớn, nhưng không biết có đủ sức”

Trong khi đó, em Nguyễn Minh Kha (8 tuổi, trú ấp Bình Thành, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đang mệt mỏi, ngủ thiếp trong lòng mẹ sau nhiều giờ liền chạy thuốc. Thường ngày, em luôn là đứa trẻ lanh lẹ nhưng không hiểu sao mấy ngày qua mặt em tái nhợt, không có cười giỡn nữa.

Rất nhiều năm rồi các em không có Tết Trung thu .

Chị Nguyễn Thị Hồng Sương (mẹ bé Kha)  nhìn con mà nước mắt liên tục rơi: “Nhà tôi nghèo lắm, phải sống ở nhà thờ. Thằng bé thường ngày nhanh nhẹn và ham học lắm. Mà không biết sao đủ tiền để lo cho nó đến nơi đến chốn. Năm trước, nó kêu đau bụng, tôi chỉ nghĩ là đau bình thường nên không đi khám làm gì. Đến khi lên thành phố thì đã quá muộn, bác sĩ phải cắt một bên thận rồi mà vẫn di căn lên não.”

Những ngày trở trời, Kha đau đầu dữ dội, khóc ròng, hậm hực đập tay vào đầu. Để quên đi những cơn đau đầu kinh niên ấy, chị Sương ẵm em đi dạo dọc cái hành lang. Chị Sương vẫn còn nhớ như in câu nói nặng nhọc khiến chị không kiềm được nước mắt mỗi khi nhớ về: “Nhiều lúc trong cơn mê, nó giật mình tỉnh dậy hỏi tôi rằng còn 38 tiếng nữa là vào thuốc nữa rồi mẹ…”.

Sau 2 giờ, Kha bắt đầu tỉnh lại, đôi mắt vẫn còn mệt mỏi nhưng em đã nở ngay nụ cười hồn nhiên. Nghe nhắc đến trung thu, em trố mắt nhìn rồi dụi vào lòng mẹ buồn bã nói: “Trung thu nữa rồi hả mẹ? Con ước có chiếc lồng đèn ông sao thật lớn, nhưng  không biết con có đủ sức chạy theo các bạn không nữa…”.

“Đừng bán đất nữa, con chết rồi, mẹ lấy nhà đâu ở…”

Còn em Phan Thị Hồng Hoa (8 tuổi, ấp Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) lại là một câu chuyện đau đáu. Em vừa sinh ra đã gánh chịu của căn bệnh ung thư bụng. Căn bệnh quái ác khiến cô bé hồn nhiên, vui tươi ngày nào dần yếu ớt, mệt mỏi.

Những ánh mắt trong veo của các em bệnh nhi ung thư.

Năm lớp 2, bụng Hoa bắt đầu chướng lên mãi không xẹp xuống. Đến bệnh viện khám, ai cũng ngã quỵ khi nghe tin em bị ung thư bụng thời kỳ cuối.  Rồi từ đó, tuổi thơ em khép lại, không cắp sách đến trường, không chạy nhảy vui đùa mà chỉ nằm mãi trong bệnh viện.

Còn Mẹ em, bà Phan Thị Nhung (36 tuổi), phải bỏ hết công việc, bán từng xào đất để có tiền chạy chữa cho em. Gia đình đã khó khăn, nay lại phải nuôi em cầm cự qua ngày. Càng ngày Khối u phát triển nhanh, chèn ép phần bụng khiến cô bé chán ăn, tới bữa ăn không sao nuốt được. Ngày qua ngày, Hoa phải uống thuốc đều đặn và duy trì sự sống nhờ ngân hàng máu. Những lúc thiếu máu trong người, em lại mệt mỏi, không tài nào đứng lên được.

Chị Nhung nhìn con nghẹn ngào: "Sinh con ra, ai lại nỡ bỏ nó, có bán nhà bán cửa cũng phải giúp con bé sống được từng ngày. Mỗi lần nó vào thuốc, nó giãy giụa, khóc lóc, rên la… người làm mẹ như tôi còn đau gấp bội.”

Nhìn bé Hoa trong những cơn mê man trên chiếc chiếu nhỏ dưới gầm giường bệnh, chị Nhung lại thấy sợ hãi những tháng ngày kế tiếp. Chị kể trong dòng nước mắt: “Con bé cứ gặn hỏi tôi: Sao bụng con cứ lớn mãi vậy mẹ? Mỗi lần nghe xong tôi cười bảo nó có em bé trong bụng, nhưng lại quay đi góc khác khóc thầm.”.

Hỏi Hoa muốn có gì trong đêm trung thu, em chỉ lắc đầu buồn bã: “Con không thích quà cáp gì hết, đừng bắt con ở đây đau lắm. Con ở đây mẹ phải bán đất rồi, con chết rồi, mẹ lấy nhà đâu ở?”.

Cuộc sống của cô bé hiện cũng chỉ xoay quanh mảnh chiếu nhỏ. Mọi sinh hoạt đều nhờ cả vào người mẹ. Hằng ngày, để quên đi những cơn đau, em lại gọi điện về quê để nghe chị hai, chị ba hát ru cho mình nghe.

…Và trong Khoa Nhi ấy vẫn còn nhiều và rất nhiều câu chuyện như thế. Chỉ cẩn nghe thôi đã rơi nước mắt..

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh