CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:08

Điều ước của chàng trai tật nguyền

 

Chỉ một cái nghề để kiếm sống qua ngày thôi, nhưng với một người khuyết tật như anh, đó là cả một sự đấu tranh dài cùng số mệnh, mà cho đến lúc này, anh vẫn chưa thể giành phần thắng.

 Đó là hoàn cảnh anh Hoàng Thanh Thu, sinh năm 1980, ở tại khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

 Lúc chưa được một tuổi, căn bệnh sốt thương hàn đã cướp đi cuộc sống bình thường của anh. Biến anh thành một người khuyết tật, liệt nửa người bên trái, tay trái không tự chủ được, chân trái liệt hoàn toàn. Từ đó, cuộc đời anh gắn liền với cây nạng và đến chiếc xe lăn, xe lắc. Nhưng, trong sâu thẳm, anh Thu, ý thức về bản thân, tự mình vực dậy vẫn không bao giờ tắt. Năm 2000, anh tham gia khóa học miễn phí 6 tháng tại Tam Kỳ học nghề điện dân dụng. Những tưởng sau khi học nghề về có thể mở tiệm sửa chữa kiếm tiền. Nhưng về với thực tế, tiền vốn không có, sức khỏe anh yếu nên hy vọng cứ nguội dần theo ngày tháng.

Anh Thu bên căn nhà dột nát

 

Không nản lòng, năm 2007, anh tiếp tục theo học một khóa đào tạo tin học văn phòng cho người khuyết tật trong vòng 3, 5 tháng tại Tam Kỳ. Lần này, anh có mong muốn mở một tiệm photocopy và văn phòng phẩm để tự nuôi sống mình. Nhưng lúc ấy, đồng tiền vẫn rất khó khăn với anh, sự hỗ trợ từ gia đình và địa phương là rất hạn chế, nên một lần nữa, ước mơ đành dang dở.

Khát vọng vươn lên một lần nữa được khơi lên trong anh, khi ngày 7/5/2013, anh được nhận vào "Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin và trẻ em bất hạnh tỉnh Quảng Nam". Tại đây, trong suốt hơn 2 năm, dù không có lương, chỉ ăn bữa trưa và bữa xế chiều, nhưng anh Thu may mắn học được nghề làm hương (nhang) và quyết tâm học thành thạo nghề. Đến giờ, nghề đã nắm, nhưng một lần nữa, khi muốn quay về nhà mưu sinh tự nuôi lấy mình, thì tiền vốn lạ là cái anh lo lắng nhất. Và không lẽ, anh lại thất bại lần thứ 3

Theo trao đổi với anh Thu và những người có chuyên môn về làm hương, đặc biệt làm hương với người khuyết tật như anh Thu, thì chi phí cho anh vào nghề tổng cộng khoảng 14.triệu đồng. Trong đó, một máy đạp hương có giá bán từ 2, 5 đến 3 triệu đồng. Một máy trộn bột hương có giá bán từ 6,5 - 7 triệu đồng. Còn lại khoảng 4 triệu đồng là tiền anh mua bột hương, giấy bao cũng như các thiết bị phơi hương và hộp vận chuyển hương đi bán. Chừng ấy thôi, nhưng với một người khuyết tật như anh Thu, ước mơ mãi mãi vẫn chỉ là ước mơ.

 

 

Anh Thu ngày ngày vẫn hy vọng mình có thể làm việc.

Bà Lê Thị Thể (80 tuổi), mẹ anh Thu rơm rớm nước mắt xót xa bảo rằng, có lẽ đến chết bà cũng không yên lòng được về đứa con thiếu may mắn này. Trong khi các anh chị của anh Thu đều có gia đình, thì anh vẫn từng ngày sống với thân phận mình và nuôi dưỡng ước mơ cháy bỏng là sống được và nuôi sống được bản thân bằng một cái nghề. Tuổi già sức yếu, bà Thể cũng không thể giúp gì cho con trai mình. Nước mắt tuổi già rồi cũng cạn khô theo năm tháng. Bà bảo nếu giờ có ai đó giúp con bà làm được nuôi sống bản thân, bà sẽ mang ơn suốt đời.

Ngày tháng cứ trôi không đợi người, đợi tuổi, anh Thu thì vẫn chỉ biết ước mơ và tin ở ngày mai. Với 270.000 đồng trợ cấp của nhà nước/ 1 tháng, anh chẳng thể chi tiêu những thứ nhỏ nhất cho bản thân mình. Mẹ thì già yếu, anh chị thì có gia thất riêng, không thể giúp anh được vì nhiều lý do, cuộc sống của anh Thu đang rơi vào bế tắc.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: anh Hoàng Thanh Thu, khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Số điện thoại: 01205053523.

Thành Giang – Hà Kiều

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh