CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển: Nên hay không ?

 

Thí sinh cân nhắc kỹ trước khi thay đổi nguyện vọng.


Tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại ĐH Bách Khoa Hà Nội ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết đây là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng không giới hạn trước khi thi và được điều chuyển nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi.

Theo ông Bùi Văn Ga, ngày 12/7 tới đây, Bộ sẽ công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào để các trường làm căn cứ xét tuyển. Khi đó, thí sinh cần đối sánh kết quả thi của mình với kết quả thi dự kiến trước đây trong bối cảnh chung về kết quả thi toàn quốc để quyết định lần cuối việc đăng ký xét tuyển.

Trong đợt 1, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 1 lần duy nhất (trong khoảng thời gian từ 15 đến 23/7). Nếu không trúng tuyển đợt 1, các em có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung nếu các trường còn chỉ tiêu. Theo quy chế tuyển sinh áp dụng từ 2017, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm theo đề án mà trường đã công bố.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần và không được điều chỉnh lại. Do đó, ông lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để đưa ra quyết định “chọn đúng và trúng nhất”.

Ông Ga lấy ví dụ, nếu yêu thích ngành y đa khoa thì có thể đăng ký xét tuyển ngành này tại nhiều trường như ĐH Y Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, hay Y khoa Phạm Ngọc Thạch tại TPHCM. Việc đăng ký nhiều nơi sẽ giúp các thí sinh tăng khả năng trúng tuyển vào ngành nghề mình yêu thích.

Cũng với lời khuyên như vậy, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng thí sinh nên căn cứ chủ yếu vào năng lực, sở trường, nguyện vọng, kết quả thi của mình so với tương quan chung, điểm của tổ hợp xét tuyển có lợi thế nhất. Cùng với đó, thí sinh cần tham khảo mức điểm trúng tuyển hai năm trước của trường đã đăng ký xét tuyển (trong tương quan với các trường khác có cùng ngành đào tạo) để điều chỉnh nguyện vọng.

Bà Phụng giải thích thêm, trong quá trình xét tuyển, các trường và hệ thống phần mềm chung sẽ xét tuyển nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tiếp nguyện vọng 2. Nếu không trúng nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tự động chuyển tới nguyên vọng 2. Nếu trúng nguyện vọng 2 thì dừng ở đó, không xét tiếp các nguyện vọng tiếp theo.

Do đó, theo bà Phụng, thay vì chú ý vào việc nộp trường nào, thí sinh nên xem năng lực, sở trường, nguyện vọng học ngành nào và chọn các trường đang đào tạo ngành đó để đăng ký và sắp xếp nguyện vọng. Vì vậy, thay vì cố gắng chọn một trường đại học nào đó, các thí sinh nên cân nhắc lựa chọn một ngành đúng với đam mê, sở trường của mình để theo đuổi.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh