CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:52

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, người tham gia BHYT hưởng lợi

 

Minh bạch các yếu tố chi phí

Theo tính toán, giá dịch vụ y tế (DVYT) tính đúng, tính đủ phải bao gồm bảy yếu tố chi phí, gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp (1); điện, nước, xử lý chất thải (2); duy tu, bảo dưỡng tài sản (3); tiền lương, phụ cấp (4); sửa chữa lớn tài sản cố định (5); khấu hao tài sản (6); chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học (7).

Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay, giá một số DVYT quy định tại Thông tư liên bộ số 03/2006/TTLT-BYT-BTC năm 2006 mới tính một phần các chi phí trực tiếp, giá một số dịch vụ theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC năm 2012 được tính 3/7 yếu tố trực tiếp (gồm các yếu tố 1,2,3). Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau ba năm điều chỉnh giá DVYT, mặc dù hầu hết các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của ba yếu tố trên nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định, quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên. Các bệnh viện sử dụng 15% tiền khám bệnh, tiền ngày giường để mua thêm giường, ghế ngồi, cải tạo, sửa chữa phòng khám, buồng bệnh khang trang hơn, đã có sự thay đổi cơ bản phần nào đáp ứng nhu cầu của người bệnh…

 

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Việc liên bộ ban hành thông tư điều chỉnh mức DVYT, kết cấu thêm chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị cung ứng "dịch vụ công" phải được tính đúng, tính đủ giá để thực hiện tự chủ, đồng thời chuyển việc cấp ngân sách trực tiếp cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng để ngân sách được hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, không bao cấp tràn lan.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, giá DVYT không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí KCB cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả nó là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt người dân thanh toán cho bệnh viện, không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.

Việt Nam lâu nay vẫn bị các tổ chức y tế quốc tế đánh giá là đang tạo ra sự “bao cấp ngược” trong cung cấp DVYT. Tức là những người có điều kiện kinh tế sẵn sàng bỏ tiền túi ra để được sử dụng những DVYT chất lượng cao, lại vẫn đang được Nhà nước bao cấp về giá, do mới tính một phần chi phí giá DVYT. Việc điều chỉnh giá DVYT về bản chất là sự chuyển dịch của các khoản chi trước đây được Nhà nước bao cấp, chi trực tiếp cho các bệnh viện, thì nay được kết cấu vào giá DVYT. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá sẽ từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị y tế, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Người tham gia BHYT hưởng lợi

Thông tư này trước mắt sẽ chỉ áp dụng đối với thanh toán chi phí KCB BHYT. Đối với người chưa có thẻ BHYT, sẽ tiếp tục áp dụng mức giá theo hiện hành. Khi thông tư có hiệu lực, theo tính toán, đối với 73% dân số đã có thẻ BHYT thì: Nhóm đối tượng được BHYT thanh toán 100% chi phí sẽ không bị ảnh hưởng mà quyền lợi được nâng lên. Nhóm được BHYT thanh toán 95%, phải đồng chi trả 5%, nhóm được BHYT thanh toán 80%, đồng chi trả 20% về cơ bản cũng không ảnh hưởng vì đã được BHYT thanh toán 80-95% phần tăng thêm. Mặt khác, từ ngày 01-01-2015, người tham gia BHYT từ năm năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở.

 

 

Theo phân tích của Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn, việc điều chỉnh giá lần này sẽ có những tác động tích cực: Mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật được thống nhất tại tất cả các cơ sở KCB cùng hạng trên cả nước là cơ sở để người bệnh được cung cấp DVYT công bằng, đồng đều ở tất cả các cơ sở KCB, không phân biệt vùng, miền. Đây sẽ là một trong những động lực khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới các cơ sở vùng sâu, vùng xa khó khăn, có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn để cung cấp DVYT tốt hơn, tạo dựng tiền đề để bảo đảm sự công bằng giữa người dân miền núi và đồng bằng trong công tác KCB.

Đồng thời, việc chi trả từ tiền túi của người dân sẽ giảm đi và giảm rất mạnh. Vì toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… từng bước được kết cấu vào giá DVYT theo lộ trình và sẽ được Quỹ BHYT chi trả. Do đó, người bệnh sẽ không bị thu thêm những chi phí đã được tính vào giá DVYT. Việc điều chỉnh giá DVYT đang hướng tới mục tiêu sao cho chi phí y tế từ tiền túi người dân giảm ở ngưỡng dưới 40% vào năm 2018.

Việc giá DVYT được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng KCB, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Tạo điều kiện người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT…

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ năm 2010, thông qua các biện pháp quản lý của ngành BHXH, nhằm tăng cường kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ, các cơ sở KCB tích cực cung cấp DVYT theo hướng chi phí hiệu quả, vì vậy mỗi năm tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2014, Quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ BHYT dự phòng đủ để bảo đảm đáp ứng việc điều chỉnh giá DVYT lần này. Ước tính, Quỹ BHYT có khả năng cân đối được đến hết năm 2017. Vì vậy, từ nay đến hết năm 2017, chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức đóng phí BHYT. Đến năm 2018, khi giá DVYT được tính đầy đủ bảy cấu phần, mới cân nhắc việc có điều chỉnh mức đóng hay không. Theo Luật BHYT, mức trần thu phí BHYT được Quốc hội cho phép là 6%, hiện nay mức phí BHYT đang thu là 4,5% mức lương tối thiểu. Khi tính lương vào giá DVYT, dự kiến ngân sách sẽ dành được khoảng 10.000 tỷ đồng/năm để chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Theo Trưởng ban Phạm Lương Sơn, đối với khoảng 27% dân số chưa tham gia BHYT, trong năm 2015 sẽ chưa phải chịu tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Nhưng theo lộ trình, năm 2016 sẽ áp dụng giá tính đủ bảy yếu tố chi phí cho người không có thẻ BHYT. Vì vậy, vấn đề đẩy nhanh độ bao phủ BHYT càng trở nên cấp thiết, người dân cũng cần có ý thức tham gia BHYT, để không phải nặng gánh chi trả thêm khi đi KCB và để người không may mắc bệnh không bị rơi vào “bẫy nghèo”.

 

* Dự kiến, cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, khi Thông tư ban hành có hiệu lực thì thực hiện theo mức giá, gồm: Chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ 1-3-2016, thực hiện mức giá theo đúng lộ trình tại Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bao gồm cả tiền lương. Giá dịch vụ KCB điều chỉnh lần này sẽ được áp dụng trước đối với người có thẻ BHYT. Trong năm 2016, Liên bộ sẽ xem xét, hướng dẫn việc thực hiện đối với người không có thẻ BHYT.

* Khoảng 23,7 triệu người, gồm: 14,7 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, Vợ, chồng, con của người có công với cách mạng; gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, từ ngày 1-1-2015, khi đi KCB được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh