CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:23

Điện Biên: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mường Ảng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể huyện Mường Ảng đặc biệt quan tâm, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn. Tại xã Xuân Lao, sau khi Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX ) huyện tổ chức các lớp dạy nghề. Rất nhiều hộ dân đã tự tin áp dụng kiến thức được học, để đầu tư phát triển kinh tế, trong đó gia đình bà Lò Thị Thoảng - Bản Món Hà, là một trong những điển hình. Sau khi được tham gia khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gia đình bà Thoảng mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại, mua con giống. Do áp dụng tốt kiến thức tiếp thu được từ lớp học, đàn lợn luôn được chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, sinh trưởng và phát triển tốt. Với 5 con lợn nái và 30 con lợn thịt, mỗi năm gia đình xuất bán trên 3 tấn lợn thịt và thu về hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Không chỉ tổ chức hiệu quả các lớp dạy nghề về kĩ thuật trong chăn nuôi, các lớp dạy kỹ thuật trồng rau an toàn, thâm canh cây ăn quả được Trung tâm GDNN – GDTX huyện tổ chức thời gian qua, đã mang lại hiệu quả cao. Theo thống kê, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm GDNN – GDTX huyện đã tổ chức được 31 lớp dạy nghề, đào tạo cho gần 830 lao động. Trên 80% số lao động được qua đào tạo nghề đã biết áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Bà Đỗ Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Mường Ảng cho biết: Được huyện giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch, tập trung đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện. Với các nghề phổ biến như kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, cho trâu bò và cho gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; trồng thâm canh cây ăn quả, được Trung tâm triển khai đồng loạt đến tất cả các xã. Quá trình triển khai, người dân nắm bắt tốt kỹ năng thực hành nghề, qua đó tăng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt là nghề chăn nuôi lợn, giúp cho từng hộ gia đình có nguồn thu nhập ổn định, giảm khó khăn cho gia đình. Phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của huyện, đáp ứng được các chế độ, hỗ trợ chính sách của nhà nước đối với người dân. Hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mường Ảng, có thể nhận thấy rõ, qua thay đổi nhận thức của người nông dân. Những kiến thức đã tiếp thu được từ các lớp đào tạo nghề, từng bước giúp cho người nông dân xóa bỏ phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu, mạnh dạn đầu tư sản xuất theo các biện pháp thâm canh mới, để nâng cao thu nhập từ chính đồng ruộng và chuồng trại của gia đình mình.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội  tỉnh Điện Biên, tính đến cuối tháng 10/2021, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển mới GDNN, đào tạo nghề cho cả năm, với tổng số 8.185 người. So với chỉ tiêu được giao năm 2021 (8.100 người), Điện Biên đã đạt 101,05% kế hoạch. Đáng chú ý, so với năm 2020, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng 1,61%.

Còn trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 39.985 lao động được học nghề, vượt chỉ tiêu kế hoạch của cả giai đoạn là 2,5%; bình quân mỗi năm tỉnh Điện Biên đào tạo nghề cho khoảng 8.000 lao động. Trong đó, đã có 26.847 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề.

TT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh