Chặng đường mới, phim có hay hơn?
- Văn hóa - Giải trí
- 17:35 - 16/07/2015
Báo động về nguồn nhân lực chuyên nghiệp
Điện ảnh Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển mình, hướng tới nền công nghiệp điện ảnh thực sự. Nhìn chung, lực lượng kỹ thuật của ngành chưa đủ sức cung cấp dịch vụ cho sản xuất, phổ biến phim và sự tụt hậu là rõ ràng so với cả thế giới, khu vực; nguồn vốn làm phim vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước; nhiều cơ sở sự nghiệp điện ảnh của địa phương và các đội chiếu bóng lưu động do khó khăn từ nhiều phía, đứng trước nguy cơ sáp nhập, giải thể hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng... Cơ cấu tổ chức, hoạt động của ngành điện ảnh chưa thích ứng với kinh tế thị trường, chưa bắt kịp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa đang thay đổi nhanh chóng. Theo Hội Điện ảnh, các tác phẩm phim truyện do Nhà nước đặt hàng vẫn tiếp tục dòng mạch chính yếu về đề tài yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nhưng còn thiếu vắng những phim về đề tài đương đại có sức lay động xã hội. Trong khi, dòng phim thương mại, chủ yếu do các cơ sở tư nhân sản xuất làm tăng đáng kể số lượng phim Việt Nam chiếu rạp, là yếu tố chủ lực tạo nên thị trường điện ảnh trong nước. Tuy nhiên, dòng phim này bị chi phối bởi mục đích lợi nhuận xoay quanh các đề tài hài, kinh dị, võ thuật, tình dục… mà ít quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các nghệ sỹ điện ảnh.
Đáng lo ngại nhất là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực làm phim chuyên nghiệp, khi phần lớn người được đào tạo bài bản đã nhiều tuổi, trong khi lực lượng trẻ chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm. Điện ảnh Việt Nam chỉ có 2/50 cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trên cả nước và hiện đều thiếu giảng viên, thiết bị chuyên dùng. Việc gửi sinh viên đi đào tạo ở những nước có nền điện ảnh tiên tiến rất hạn chế. Khối tư nhân tỏ ra dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nhân lực điện ảnh, vì thấy khả năng sinh lời không cao.
Chia sẻ ngay sau đại hội, NSND Đặng Xuân Hải cho biết, Hội sẽ tập trung mọi điều kiện để động viên các hội viên sáng tác. Đây là một trong những hoạt động cụ thể để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực điện ảnh chuyên nghiệp. Ngoài bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chọn lựa kịch bản, mở trại sáng tác chuyên sâu với những chuyên đề khác nhau, mở các lớp tập huấn trong ngành điện ảnh, Hội cũng sẽ thực hiện một nhiệm vụ quan trọng nữa là mở rộng xã hội hóa, gắn kết được lực lượng ngoài xã hội tham gia vào sinh hoạt trong tổ chức nghề nghiệp, bên cạnh điện ảnh Nhà nước thì điện ảnh xã hội hóa cần phải có sự tham gia tích cực. Theo ông Hải, một trong những hành động thiết thực và quan trọng của Hội - được kỳ vọng sẽ tạo nên bứt phá cho ngành điện ảnh, là thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền điện ảnh Việt Nam. Dù khó khăn và nhiều thách thức, cả về cách thức tổ chức cũng như triển khai mô hình trung tâm, nhưng Hội sẽ làm quyết liệt tới cùng trong nhiệm kỳ này để tạo một môi trường điện ảnh lành mạnh, an toàn. Để làm được điều này cần có sự ủng hộ lớn từ các hội viên, bởi phải tổng động viên trí tuệ và tâm huyết các nghệ sĩ thì mới triển khai được.
Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam khóa VIII ra mắt Đại hội
Phấn đấu… không mờ nhạt
“Làm gì để vai trò của Hội không mờ nhạt?” là câu hỏi của không ít hội viên tham gia đại hội. Bởi lẽ, trong nhiệm kỳ trước, BCH Hội cũng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, mục tiêu nhưng sự mờ nhạt, thiếu sức hút và niềm tin vẫn còn hiển hiện. Theo nhà sản xuất phim Phước Sang, anh chưa thấy tiếng nói của Hội, vai trò của Hội. Hơn nữa, cương lĩnh, nhiệm vụ của từng người trong Ban chấp hành quá mông lung, từng người phải có những tuyên bố cụ thể rằng ở nhiệm kỳ này họ làm được gì cho các hội viên, đời sống điện ảnh của hội viên được bảo vệ thế nào, bị tác động bởi cái gì?. Như chia sẻ của Phước Sang, những bộ phim anh phải đổ mồ hôi, xương máu và tiền bạc ra để làm, nhưng khi đưa cho Lotte hay CGV, họ không chiếu, khi đó vai trò Hội ở đâu, đó mới là điều mà hội viên đang cần để bảo vệ đời sống điện ảnh của họ. “Các thành viên BCH phải ngồi lại với nhau và có hành động thiết thực, ví dụ như đề nghị không cung cấp phim Việt cho các hãng lớn, họ sẽ phải thay đổi suy nghĩ và làm gì cũng phải thông qua Hội Điện ảnh. Hiện nay tôi thấy Hội chưa làm được điều đó. Hội cũng chưa tập hợp được người trẻ, sức hút mờ nhạt, chưa tạo được niềm tin cho nghệ sĩ, trong khi đời sống điện ảnh đang rất sôi động và cần nhiều hơn thế”- Phước Sang bức xúc.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho rằng, điện ảnh hiện đại đã thay đổi quá nhiều, nhưng Hội Điện ảnh Việt Nam chưa thay đổi kịp thời để nắm bắt các xu hướng. Hiện nay tỉ lệ người làm phim không phải hội viên rất nhiều, ngày càng nhiều Việt kiều, thậm chí cả người nước ngoài về Việt Nam sản xuất phim. Ngoài ra, có rất nhiều dự án phim của những người trẻ yêu thích điện ảnh, họ tự làm phim, gửi đi nước ngoài và đã gặt hái được nhiều thành công. Nhưng đáng tiếc, Hội chưa thực sự quan tâm đến những đối tượng sáng tác này. Vấn đề đặt ra, Hội Điện ảnh cần rộng cửa cũng như năng động hơn để đáp ứng với yêu cầu hiện đại của khán giả hôm nay.
Một nhiệm kỳ mới nữa đến với nhiều thách thức hơn trước sự thay đổi chóng mặt của nền điện ảnh nước nhà, hy vọng Ban chấp hành Hội hãy đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ đã đặt ra.