Điện ảnh không thể né tránh "mặt trái" của xã hội
- Văn hóa - Giải trí
- 07:15 - 30/10/2021
Cùng với văn học và sân khấu, điện ảnh là một trong những loại hình nghệ thuật phản ánh trực diện nhất về các góc cạnh trong đời sống xã hội. Vì thế, không thể đòi hỏi hay áp đặt những quy định buộc điện ảnh "chỉ có thể phản ánh những mặt tích cực, những "gương người tốt việc tốt" mà né trạnh những "mảng tối", "mặt trái" của xã hội.
Có như vậy, trong điện ảnh hay văn học, sân khấu mới có những tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Sự đối kháng, xung đột, tương phản giữa các tuyến nhân vật mới tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm và cũng là điểm nhấn nêu bật giá trị tư tưởng của tác phẩm. Để xây dựng những tuyến nhân vật, các nghệ sĩ tham gia tác phẩm nghệ thuật ấy - từ tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên... đều phải phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình.
Ông Nhân cho rằng, điều khó khăn nhất khi chấp bút Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phải đưa hoạt động sáng tạo vào đường biên, trong khi bản chất sáng tạo là không giới hạn. Do đó, cần hài hòa giữa quản lý nhà nước về điện ảnh mà không gây ức chế sáng tạo để nghệ sĩ thăng hoa cảm xúc.
Tuy nhiên, Dự thảo có 17 điểm về nội dung và hành vi bị nghiêm cấm khá mơ hồ và rộng, với những chế định mơ hồ có thể trở thành "vòng cương tỏa" hạn chế tư duy sáng tạo của các tác giả, nghệ sĩ.
Ông Nhân đề cập đến một "hiện tượng" gần đây: "Phim Việt Nam nhận giải thưởng nước ngoài nhưng bị cấm chiếu ngay tại sân nhà vì không đáp ứng được thuần phong mỹ tục hay phản ánh hiện thực quá đen tối. Nhưng có nơi nào trên thế giới này chỉ có những điều tốt đẹp mà không có mặt trái xã hội? Ngay tại New York, trung tâm kinh tế tài chính thế giới, cũng có những người vô gia cư co ro dưới ánh đèn sáng choang. Điện ảnh Mỹ chưa bao giờ chối từ hình ảnh này".
Ngay tại Việt Nam, các tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực phê phán, được viết dưới thời Pháp thuộc như: Chí Phèo, Lão Hạc, Tắt đèn... khắc họa tận cùng sự khắc nghiệt của hiện thực. Câu chuyện và các tuyến nhân vật trong những tác phẩm này có bi quan, bạo lực nhưng không làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, mà ngược lại còn tạo nên những giá trị văn hóa lớn lao là di sản quý giá để lại cho đời sau.
Hay mới đây, những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vốn đã mang giá trị lớn về văn chương và tư tưởng, khi được dựng thành phim cũng đã gây tiếng vang lớn. Trong những tác phẩm đó, không ít tình tiết mô tả "mặt trái" của xã hội một cách thâm thúy, chua cay...
Dẫu là nhân vật chính diện hay phản diện, "mặt phải" hay "mặt trái" của xã hội cũng đều thuộc về hiện thực xã hội. Phải đầy đủ những chất liệu ấy thì mới có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật (bao gồm tác phẩm điện ảnh) thực sự chất lượng, hấp dẫn và mang giá trị tư tưởng cao.
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân: "Việc căn ke tác phẩm nhân vật vào đường biên pháp luật cần tâm thế và cách tiếp cận mới. Đừng để cái bóng quá lớn của những nguyên tắc, lề luật đè nặng lên nền điện ảnh Việt Nam".
Thiết nghĩ, đó là những ý kiến đầy tâm huyết, cần được các cơ quan hữu trách lắng nghe.