Tạo hành lang pháp lý để điện ảnh Việt Nam phát triển
- Văn hóa - Giải trí
- 16:51 - 23/10/2021
Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế
Sáng 23/10, Quốc hội đã nghe và thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể là một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác; Một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi. Bên cạnh đó Luật Điện ảnh cũng cần được bổ sung một số vấn đề mới phát sinh. Đó là công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim.
Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; Quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; Hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế trong và ngoài nước và chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Uỷ ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật điện ảnh đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau: Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số; Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Phải giữ gìn được văn hóa dân tộc khi phát triển điện ảnh
Thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Điện ảnh, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình về dự thảo luật Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục) cho rằng điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt, làm sao để phát triển điện ảnh vừa là ngành văn hoá, vừa là ngành kinh tế. Vì thế điều cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Việt Nam là gì và làm sao cho phù hợp với các điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Đặt câu hỏi trong điều kiện đầu tư và điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta liệu có thể có một nền điện ảnh tốt, phát triển được không, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng chúng ta phải có hướng đi riêng.
“Tiền là một chuyện, đầu tư nhà nước là một chuyện nhưng điều quan trọng nhất của Luật Điện ảnh này là phải phát huy, khai phóng được sự sáng tạo, bản sắc sáng tạo của Việt Nam từ kịch bản, từ diễn viên… để có lối đi riêng, có dòng phim riêng”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói và gợi ý điện ảnh Việt Nam hãy nhìn sang các nước nghèo xem họ có dòng phim hay không, họ phát triển như thế nào, để tìm hướng đi riêng cho mình.
Nhấn mạnh ngành công nghiệp điện ảnh có vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước, lấy dẫn chứng sinh động là việc nhiều nước quảng bá hình ảnh đất nước thông qua ngành công nghiệp điện ảnh như Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề liệu ngành điện ảnh Việt Nam có thực hiện được vai trò là tiền đề phát triển, đúng như câu nói của Bác: “Văn hoá soi đường quốc dân đi” hay không. Cũng theo Chủ tịch nước, có nhiều yếu tố trong đó yếu tố khách quan là luật phải tạo được hành lang pháp lý để điện ảnh Việt Nam phát triển.
Theo Chủ tịch nước, hiện nước ta đang hội nhập với nền kinh tế thị trường nên phải giữ gìn được văn hóa dân tộc khi phát triển điện ảnh. Nhiệm vụ quan trọng của ngành Điện ảnh là phải giữ gìn được văn hóa dân tộc thông qua điện ảnh, thông qua hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Chủ tịch nước cũng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiên lượng sự phát triển của khoa học công nghệ để xây dựng Luật sát thực, có sức sống, tồn tại với thời gian.
Theo Chủ tịch nước, phải khuyến khích công tác xã hội hoá để mọi cá nhân, tổ chức đều có thể làm phim dựa trên khung pháp lý của Nhà nước. Bên cạnh xã hội hóa, Nhà nước nên đặt hàng, hỗ trợ, có chính sách khen thưởng đối với các tác phẩm phim về lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, văn hoá, con người Việt Nam. Chủ tịch nước cũng đề nghị cần có cần có những qui định cụ thể để nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh vi phạm về đạo đức, hành vi tội ác, kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử….
Chia sẻ với những khó khăn của điện ảnh Việt Nam về cơ sở vật chất, việc quảng bá phim, đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế, Chủ tịch nước lưu ý phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế để điện ảnh Việt Nam ra với thế giới, góp sức quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam.