THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:43

Điểm tựa của thương nhân

 

Đồng bằng khó một…

Khởi nghiệp năm 2008, đến nay, cơ sở sản xuất chế biến Bóng Cá của anh Trần Văn Ngây, ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn (An Giang) mới đi vào ổn định. Thời gian đầu, lưng vốn thì ít, gặp rất nhiều khó khăn. Bước ngoặt đến với anh Ngây từ khi được NHCSXH cho vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Sẵn có kế hoạch bài bản, anh đã phát huy hết công lực của những đồng vốn ưu đãi đầu tiên. Hiện, sản phẩm của Doanh nghiệp tư nhân sản xuất chế biến Bóng Cá (Mười Ngây) do anh Ngân làm chủ đã có mặt tại Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... đem lại việc làm cho 30 lao động trực tiếp tại xã, thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.

 

Chế biến bóng cá xuất khẩu.

 

Cũng từ nguồn vốn nhỏ bé của Chính Phủ, anh Trần Văn Hoài, có 4 công đất ở phường Vĩnh Mỹ, huyện Châu Đốc, đã vay vốn trồng rau an toàn thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện, cơ sở của anh có 10 lao động thường xuyên và hơn 10 lao động vệ tinh, mức lương cao nhất là 5 triệu đồng/người, thấp nhất là 3 triệu đồng.

 

Sản xuất rau an toàn, ở phường Vĩnh Mỹ, huyện Châu Đốc - An Giang.

 

… vùng cao khó mười

Là một trong những khách hàng được vay vốn từ chương trình Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn, anh Lò Văn Chưởng, bản Tam, xã Chiềng Đen, Sơn La đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH để đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế. Gia đình anh Chưởng có thâm niên thu mua nông sản ở xã Chiềng Đen. Tuy nhiên, trước đây do ít vốn nên gia đình chỉ mới “quay vòng” mua đi bán lại theo từng mùa vụ. Năm 2010, anh được vay 100 triệu đồng từ chi nhánh NHCSXH tỉnh Sơn La, cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư sân phơi và lò sấy và yên tâm trữ hàng chờ được giá mới bán. Để có nguồn nông sản ổn định, anh Chưởng huy động thêm vốn đầu tư phân bón, ngô giống cho nông dân trong vùng, sau đó mua lại sản phẩm. Với cách làm như vậy, hàng năm đến mùa vụ, gia đình anh Chưởng đã thu mua được gần 700 tấn nông sản. Anh Chưởng cho biết: “Lúc được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, tôi cứ đắn đo mãi về việc xây lò sấy, làm sân phơi vì lo lỡ thất bại thì gay lắm. Cán bộ NHCSXH động viên mấy lần tôi mới dám triển khai và thu được kết quả tốt như hôm nay”.

Cần vững chắc!

Chương trình cho vay Thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do NHCSXH thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.

 

Cơ sở sản xuất chế biến bóng cá Mười Ngây Thoại Sơn đã giải quyết việc làm nho nhiều lao động địa phương.

,

Sau hơn 6 năm thực hiện (2009 - 2016), doanh số cho vay của chương trình đạt hơn 1.050 tỷ đồng với hơn 33 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Thương nhân ở vùng sâu, vùng xa có vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa tiêu dùng, tiêu thụ nông sản cho bà con, thúc đẩy phát triển thương mại. Chương trình cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đã giúp cho số lượng và quy mô của các thương nhân hoạt động thương mại tại khu vực này tăng lên; góp phần cải thiện, hình thành hệ thống phân phối hàng hóa, như các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hóa, cửa hiệu tạp hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng khó khăn, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng khẳng định, chương trình cũng đã làm tốt vai trò là động lực, cầu nối hỗ trợ vốn phát triển cho các xã miền núi khó khăn, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, giải quyết lượng lớn lao động tại địa phương. 

 

9 tháng năm nay, doanh số cho vay của chương trình giải quyết việc làm đạt trên 2.700 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 2.000 tỷ đồng, với hơn 300 nghìn khách hàng còn dư nợ.

VIỆT DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh