THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:09

Điểm mới của chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội

Các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình cùng sinh hoạt tập thể.

Các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình cùng sinh hoạt tập thể.

Nghị định này quy định về chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; trợ giúp xã hội khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội.

Nguyên tắc cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội là chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng. Chế độ, chính sách trợ giúp xã hội được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được coi là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng hàng đầu để các cơ quan có thẩm quyền triển khai áp dụng các chính sách về trợ giúp xã hội trên thực tiễn, tính từ thời điểm 01/07/2021. Đây là những chính sách quan trọng góp phần cải thiện đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, có tác động tích cực đến an sinh xã hội và nền kinh tế xã hội đất nước.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có 6 điểm mới nổi bật.

Thứ nhất, Nghị định quy định bổ sung một số nhóm đối tượng hưởng chính sách. Cụ thể: Người từ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định tùy vào điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ sung những đối tượng khó khăn trên địa bàn hưởng chính sách.

Thứ hai, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, tăng 1,33 lần. Điều chỉnh hệ số tính mức cho đối tượng ở trong cơ sở trợ giúp xã hội với mức thấp nhất là hệ số 4. Các chế độ hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo cơ chế để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức áp dụng trên địa bàn cao hơn mức tối thiểu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để người dân đăng ký, kê khai thông tin hưởng chính sách. Đồng thời, tạo điều kiện để các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận đăng ký và giải quyết chính sách trực tuyến.

Thứ tư, quy định chi tiết về phương thức, cách thức thực hiện chi trả chính sách thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ. Trong đó hướng tới chi trả điện tử thông qua tài khoản ngân hàng.

Thứ năm, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ trong quá trình thực hiện chính sách. Bỏ quy định thành lập hội đồng xét duyệt chính sách ở cấp xã, giao trực tiếp trách nhiệm cán bộ công chức và UBND cấp xã.

Thứ sáu, quy định cụ thể về kinh phí, cơ chế lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí tạo thuận lợi để các địa phương huy động nguồn lực cho thực hiện.

Có thể thấy, Nghị định 20/2021/NĐ-CP đã thay đổi cơ bản quy định về mốc thời gian cũng như các chế độ được hưởng/điều chỉnh trợ cấp xã hội hàng tháng của đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi cho những đối tượng này.

Kể từ ngày 1/7/2021, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 làm hết hiệu lực Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Điều 17 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các điều từ Điều 40 đến Điều 43 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; các điều từ Điều 15 đến Điều 23 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội và các mức trợ giúp xã hội khác.

Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng.

Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định: Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này; Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Tuấn Minh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh