Điểm đầu vào đại học khối ngành Sức khỏe năm 2020 từ 19 - 22 điểm
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:27 - 17/09/2020
Sau cuộc họp, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:
Đánh giá về ngưỡng điểm sàn sức khỏe năm 2020, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường đại học nhóm công lập và nhóm ngoài công lập.
Theo GS Tạ Thành Văn, ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với Đại học Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức điểm sàn. Tuy nhiên với các trường khác, nhất là khối dân lập, đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và quyết định sự phát triển của các trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh, đầu vào chỉ là một bước, quá trình đào tạo mới quan trọng, sản phẩm bác sĩ, nhân viên y tế sẽ do quá trình đào tạo quyết định.
Đồng tình với phương án điểm sàn được Hội đồng thống nhất, TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nhìn nhận, quyết định của Hội đồng về mức điểm sàn khối sức khỏe là phù hợp. Mỗi nhóm tăng thêm 1 điểm so với năm ngoái là phù hợp với thực tế của năm nay.
TS Phạm Văn Tác phân tích thêm, dịch Covid-19 nên ngành giáo dục đã gặp nhiều khó khăn nhưng ngành đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả điểm thi cao hơn so với năm ngoái, vì vậy, khối sức khỏe tăng 1 điểm là hợp lý. Với mức điểm này, những trường tốp dưới không khó khăn hay lo lắng trong tuyển sinh vì nguồn tuyển lớn.
Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho biết thêm, tới đây, các trường tốp dưới sẽ phải cố gắng vì sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. Do vậy, quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định.
PGS.TS Trần Công Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô đánh giá, mức điểm sàn cao hơn năm ngoái là để bảo đảm chất lượng nhưng muốn hay không thì đầu ra mới quan trọng. Đầu ra để đủ tư cách hành nghề sẽ còn phải trải qua quá trình sát hạch với nhiều điều kiện quan trọng.
Nhận xét về mức điểm sàn ngành sức khỏe, ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) cho rằng, đây là mức điểm hài hòa và hợp lý. Tuy nhiên, với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế đất nước nói chung và của TP Đà Nẵng nói riêng, ông Lê Công Cơ mong rằng, số thí sinh xét tuyển và đi học đại học sẽ đông hơn năm ngoái.
Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sức khỏe có chứng chỉ hành nghề là từ 18 đến 21 điểm. Cụ thể: Ngành Y Khoa, răng hàm mặt là: 21 điểm; ngành Y học cổ truyền và ngành Dược học là: 20 điểm; nhóm ngành 2: 18 điểm.