THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:45

Điểm chuẩn các trường có sự thay đổi

 

Phải lượng sức mình

Đến nay Học viện Bưu chính viễn thông đã nhận được số lượng hồ sơ (HS) tương đương với chỉ tiêu. Mức điểm của những HS nhận được tương đương điểm chuẩn năm ngoái (ngành cao là 23,75, ngành thấp là 21). Ông Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, cho biết, ngưỡng nhận HS là 17 điểm. Tuy nhiên, với chất lượng HS mà trường đã nhận được, thì mức điểm 21 mới được xem là có khả năng đỗ. Còn điểm thấp hơn thì còn tùy thuộc vào diễn biến nộp HS của thí sinh (TS) mấy ngày tới.
“Năm nay do mỗi trường TS chỉ có 2 nguyện vọng và không được rút HS, nên TS điểm cao sẽ có cơ hội cân nhắc để nộp vào ngành mà mình thích. Vì thế, chắc chắn khoảng cách điểm chuẩn giữa các ngành sẽ rất lớn. Thành thử sẽ có trường hợp cùng đăng ký vào một trường nhưng TS 20 điểm cũng đỗ mà 25 điểm chưa chắc đã đỗ”, ông Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Quản lý đào tạo Học viện Tài chính, cảnh báo.

Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cũng khuyên TS nên cân nhắc, đừng quá tham vọng với mục tiêu vào các ngành “hot” như tài chính - ngân hàng, kế toán... “Ngành hệ thống thông tin quản lý là một ngành mà thế giới khá ưa chuộng, thị trường lao động có nhu cầu nên sinh viên ra trường khá dễ tìm việc làm. Tuy nhiên, do các em ít biết đến ngành này nên thời kỳ tuyển sinh theo phương thức 3 chung nó là một ngành được xem là không hấp dẫn, ít em đăng ký vào dẫn đến điểm chuẩn thấp hơn so với các ngành khác trong cùng một trường khối ngành kinh tế. Vì thế, ngành này năm nay cũng sẽ tiếp tục là ngành có thể có mức điểm chuẩn “dễ chịu” với những em thích học các trường kinh tế”, ông Dũng thông tin.

Nhân viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM nhập dữ liệu hồ sơ của thí sinh qua đường bưu điện.    ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội), thì lượng HS đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 mà trường hiện nhận được khoảng hơn 2.000, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh là 3.500. Phần nhiều HS có mức điểm 19 - 20 điểm trở lên. Ông Long cho biết: “Trường thông báo đợt 1 ngưỡng nhận HS là 15 điểm với chỉ tiêu 3.500; nguyên tắc xét tuyển là lấy từ trên xuống đến đủ chỉ tiêu. Vì vậy những TS nào từ 15 điểm trở lên mà đăng ký vào những ngành còn chỉ tiêu là trường lấy hết. Không có chuyện trường đã công bố vậy rồi mà vẫn gạt những em 16 - 15 điểm ra trong khi mình vẫn thiếu chỉ tiêu, bởi nếu thế là trường không sòng phẳng với luật chơi do chính mình định ra”, ông Long khẳng định.

 

Có ngành điểm chuẩn giảm tới 2 điểm
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCồ Chí Minh cho biết, đến hết 10.8 trường nhận được khoảng 12.000 HS. Tuy nhiên, những ngày gần đây, mỗi ngày trường chỉ nhận được khoảng hơn 100 HS theo hình thức đăng ký trực tiếp.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cũng nhận được khoảng 7.000 HS, mỗi ngày có khoảng trên 200 theo cả 3 hình thức: trực tiếp, bưu điện và trực tuyến. Điểm đáng lưu ý ở thời điểm này, số lượng HS nộp về không nhiều nhưng mức điểm tương đối cao.
Ghi nhận từ Trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, chỉ trong 3 ngày trường đã nhận được khoảng 1.500 HS chủ yếu qua đường bưu điện, trong đó xuất hiện nhiều TS có điểm thi trong khoảng 23 - 25 điểm. Với số lượng HS này, điểm chuẩn của trường sẽ thay đổi theo hướng nhích lên so với dự báo những ngày đầu.

 

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh nhận được trên 4.000 HS tính tới hôm qua. Trong đó, các ngành TS đăng ký nhiều nhất gồm: kỹ thuật cơ khí, các ngành khối kinh tế, quản trị logistic. Riêng ngành kỹ thuật cơ khí điểm chuẩn có thể cao nhất (năm ngoái điểm chuẩn đã nhân hệ số 2 môn chính là 28,75 điểm). Đến thời điểm hiện tại, TS có nhiều cơ hội khi nộp vào các ngành sau: điện tử viễn thông, truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật tàu thủy. Khả năng điểm chuẩn 3 ngành này sẽ không cao, trong đó riêng ngành điện tử viễn thông điểm chuẩn sẽ giảm nhiều so với năm ngoái.
Còn theo tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, căn cứ phương thức xét tuyển và số lượng TS đăng ký năm nay và năm ngoái, có thể dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ thấp hơn năm ngoái. Trong đó, có ngành có thể sẽ “tụt” 2 điểm so với năm ngoái.

 

Đến thời điểm này, dự báo điểm chuẩn vào Trường ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên theo xu hướng giảm nhẹ ở mức khoảng 1 điểm. Năm nay chỉ tiêu của trường tăng thêm 25% (từ 4.000 lên 5.000), trong khi phổ điểm TS khá nhiều ở khoảng 21 - 23 điểm. Riêng nhóm ngành quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, marketing, kinh doanh quốc tế, kinh doanh thương mại, tài chính - ngân hàng, kế toán, luật dù điểm nhận HS tối thiểu 18 nhưng điểm chuẩn có thể từ mức 20 trở lên. Trong khi đó, điểm chuẩn ngành kinh tế (kinh tế học, kinh tế chính trị, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn) có thể thấp hơn khá nhiều.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh nhận được khoảng 5.000 HS đến hết ngày 9/8. Hiện có 2 ngành TS đăng ký chưa nhiều gồm: hải dương học và địa chất.

 

Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh có số lượng HS các ngành có sự phân bố không đồng đều. Một số ngành “nóng” TS quan tâm nhiều trong khi chỉ tiêu năm nay thấp, điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái. Cụ thể là: công nghệ kỹ thuật ô tô (tuyển 210 chỉ tiêu, điểm chuẩn năm ngoái là 20,75); công nghệ may (tuyển 210, điểm chuẩn năm ngoái là 20); quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (tuyển 70)... Ngược lại, một số ngành HS nộp vào chưa nhiều lắm, mức độ cạnh tranh giữa các TS thấp hơn và điểm chuẩn không cao như: hệ thống thông tin, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, luật kinh tế, tài chính doanh nghiệp... Trong cùng nhóm ngành về môi trường, nhưng xu hướng HS nộp vào trái ngược nhau, trong đó ngành quản lý môi trường nhiều TS đăng ký nhưng 2 ngành chưa nhiều gồm: kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường.

 

Viết sai mục “Có đăng ký xét tuyển vào trường khác” có ảnh hưởng ?
Nếu TS đã ghi sai ở mục “Có đăng ký xét tuyển vào trường khác”, liệu có được sửa sai không? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Khi nhận được phiếu đăng ký xét tuyển, các trường sẽ nhập thông tin TS vào phần dữ liệu của trường mình. Phần mềm không có mục nào yêu cầu trường này nhập dữ liệu cho trường khác. Mục “Có đăng ký xét tuyển vào trường khác” chỉ có giá trị tham khảo với các trường nhận được phiếu đăng ký xét tuyển, không ảnh hưởng đến TS.
Quý Hiên

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh