CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:15

Điểm cao bất thường ở Hà Giang: 6 giây sửa điểm một bài thi

 

Liên quan đến quy trình sử dụng máy tính để quét trắc nghiệm, trao đổi tại cuộc họp báo ngày 17/7, ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng Phòng 4 của A83 của Bộ Công an cho biết, hàng năm chiếc máy tính được Sở GD&ĐT Hà Giang phân công cho anh Lương là người phụ trách trực tiếp, sử dụng máy tính đó thao tác phục vụ cho công tác hàng ngày của cá nhân.

Chính vì thế, ngày 27/6, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án, anh Lương đã download toàn bộ đáp án đó về, chuyển sang file excel và lưu trong máy.

“Ngoài ra, qua khai thác, chúng tôi phát hiện có rất nhiều tin nhắn đến số điện thoại của đồng chí này. Căn cứ vào các tin nhắn đó, anh Lương nhập các số báo danh này vào máy tính, đồng thời đem máy tính đến phòng quét và xử lý trắc nghiệm. Trong quá trình quét xử lý trắc nghiệm như thế, anh Lương đã tiến hành thao tác để sau khi đã quét được file ảnh và chuyển từ file excel, thì lấy kết quả đã xử lý theo đáp án trước đây, coppy ra, dán vào file text”, ông Khương cho biết.

Cũng theo ông Khương, tổ công tác đã yêu cầu đồng chí Lương thực hiện và quay lại. Toàn bộ quy trình rơi vào tầm khoảng 6 giây.

Ông Khương cho rằng, điều này đặt ra vấn đề, quy trình bảo mật liên quan đến giám sát của Công an cũng như của thanh tra Bộ và thanh tra Sở (ở khâu chấm thi- PV) chưa chặt chẽ, để cho trường hợp anh Lương xử lý tất cả những thí sinh có liên quan và trong toàn bộ cả quá trình đó các thành viên không biết.

“Đây cũng là vấn đề mà sau này tổ công tác cũng đã có kiến nghị, đó chính là những thành viên giám sát công tác chấm thi về cơ bản cũng nắm được đầy đủ các quy trình và các thao tác liên quan đến vụ này.

Chính vì thế để cho đôi lúc anh Lương qua mặt mà hoàn toàn không biết. Đó chính là kẽ hở mà chúng tôi thấy rằng, cần phải có những củng cố và tập huấn thật kĩ càng sau này ở các kì thi. Việc để cho anh Lương có thể xử lý các bài thi trắc nghiệm gốc, đấy cũng là sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh an toàn”, ông Khương nói thêm.

Theo quy trình mà ông Khương mô tả lại tại buổi họp báo, cả một khoảng thời gian từ 12h cho đến 14h38 phút, anh Lương khai đã mở được khóa niêm phong, rút bài ở các túi, sau đó tẩy xóa và sửa theo đáp án. Tổng cộng quá trình này rơi vào khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

“Đây là quy trình chúng tôi đã theo dõi lại và quan sát lại trên camera do Sở GD&ĐT lắp. Chúng tôi phát hiện trong toàn bộ quá trình ấy, chưa phát hiện ra cá nhân nào phối hợp với anh Lương trong quá trình cả hai tiếng rưỡi ấy”, ông Khương cho biết.

Thông tin thêm về điều này, ông Khương cho hay, ngày 16/7, Ban rà soát đã làm việc từ 8h tối đến 4h sáng. Theo đó, với gần 10 con người, mới có thể rút bài ra kiểm tra và xác định các đối sánh xem có sự sửa đổi trên bảng chấm gốc không.

“Tôi thấy, nếu việc này chỉ thực hiện một mình thì cực kì khó. Do đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục làm tiếp để xác định xem có hay không có sự tiếp tay của một số trường hợp có liên quan”, ông Khương khẳng định.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc gian lận điểm tại Hà Giang đã xảy ra từ năm 2017, vậy việc điều tra có mở rộng sang năm 2017 hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Cao Khương, Phó trưởng phòng 4, A83, Bộ Công an, thành viên Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khi kiểm tra máy tính của ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, người được xác định là thủ phạm sửa 330 bài thi của 114 thí sinh tại Hà Giang, Tổ công tác đã phát hiện máy có lưu trữ thông tin dữ liệu kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017.

Nếu có ý kiến nào khác về việc xác minh lại kì thi năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có ý kiến và chỉ đạo thì các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc”.

P.V (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh