CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:18

Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra sôi động

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời góp phần bảo vệ giá trị và hình ảnh đồng tiền Việt Nam, từ năm 2013, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý và chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền Việt Nam có mệnh giá nhỏ trên địa bàn, đặc biệt là tại các công trình tín ngưỡng, lễ hội”.

Sau khi khảo sát và tính toán ở ba tỉnh, thành phố có nhiều đền chùa bao gồm: Hà Nội, Hải Dương và Bắc Ninh, năm 2013 khi không đưa tiền 500 đồng vào lưu thông đã tiết kiệm được khoảng 94 tỉ đồng (chi phí in ấn, chi phí vận chuyển, bốc vác, bảo quản, kiểm đếm trong quá trình lưu thông); năm 2014, không in mới tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng đã tiết kiệm được 314 tỉ đồng và nếu cộng dồn với việc không in ấn và lưu thông tiền lẻ mệnh giá 500 đồng thì năm 2014 đã tiết kiệm được 409 tỉ đồng.

Sau khi đưa ra những con số này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định: “Kết quả là, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền... đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh”.

Cũng theo tính toán của NHNN, năm 2015 nếu không in và đưa thêm tiền mệnh giá 5.000 đồng mới vào lưu thông thì sẽ tiết kiệm được khoảng 171 tỉ đồng, nếu cộng dồn cả ba mệnh giá và sau ba năm thực hiện thì NHNN đã tiết kiệm được số tiền 1.084 tỉ đồng...

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, số tiền tiết kiệm này sẽ được sử dụng vào nhiều mục tiêu khác có ý nghĩa hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tiền lẻ được “công đức” vô tội vạ.

Để bảo đảm cơ cấu các loại mệnh giá tiền trong lưu thông, trong dịp Tết Nguyên đán 2015, NHNN không in và đưa vào lưu thông các loại tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống nhưng sẽ đưa vào lưu thông các loại tiền có mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, còn đủ tiêu chuẩn lưu thông. Đối với các loại tiền có mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên, NHNN vẫn điều hòa lưu thông bình thường.

Dù NHNN đã ban hành nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ nhưng nhiều chủ kinh doanh vẫn công khai thực hiện đổi cho khách để ăn tiền chênh.

Có cung ắt có cầu, vào các ngày mùng 1, rằm, tại đền chùa dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn diễn ra bình thường. Những chùa, đền lớn hầu hết đổi tiền lẻ những người bán hàng vàng mã đều không lấy tiền chênh lệch, chỉ cần khách vãng lai mua lễ vào chùa là họ đổi miễn phí.

 Thiết nghĩ, nếu việc đổi tiền lẻ ăn chênh lệch quá lớn thì xử phạt, còn lại nhu cầu tiền lẻ để đi chùa, đền của người dân, vốn là một hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh, nếu đúng lúc, đúng khi thì không nên dẹp bỏ và không thể dẹp bỏ được.

Bởi theo báo cáo của NHNN, khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích, lễ hội đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo.

Xuất phát từ nhu cầu “lì xì”, đi lễ dùng tiền lẻ mới, dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền lẻ mới năm nào gần thời điểm đến Tết cũng diễn ra sôi động. Trên mạng intenet, hoạt động chào mời đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ cũng nhan nhản.

 Phương thức giao dịch là khi khách hàng có nhu cầu tổ chức quy đổi tiền lẻ sẽ cho nhân viên đến tận nơi của khách hàng để trao đổi. Dịch vụ đổi ngoại tệ phổ biến nhất là tiền USD. Đồng USD giá trị được các tổ chức cung cấp là số sêri đẹp và loại tiền hiếm (1 USD, 2 USD), mức phí chênh lệch từ 15- 30%.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh