"Địa ngục trần gian" nơi giam giữ bệnh nhân tâm thần ở Indonesia
- Văn hóa - Giải trí
- 23:26 - 23/03/2016
Những hình ảnh gây sốc được chụp lại tại các trại tâm thần, hay"trung tâm chữa bệnh bằng niềm tin", dưới đây đã phản ánh một cách chân thực nhất điều kiện sống tồi tệ của gần 19.000 bệnh nhân tâm thần ở Indonesia.
Các trung tâm này đã bị cấm ở Indonesia trong gần 40 năm qua, nhưng tình trạng bệnh nhân tâm thần bị xiềng xích vẫn còn đầy rẫy ở đất nước xứ vạn đảo, đặc biệt ở những vùng nông thôn, nơi dịch vụ y tế còn nghèo nàn và mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại.
Trong một trung tâm nhỏ tại nông thôn Indonesia, một bệnh nhân tâm thần tên Sulaiman đang không ngừng loay hoay trên băng ghế gỗ, cố gằng giằng sợi xích ở chân và rên lên từng chặp.
Mỗi ngày của anh trôi qua trong khoảng sân nồng nặc mùi ẩm mốc hoặc trong căn phòng tối với 4 bức tường bê tông.
Mỗi ngày của Sulaiman trôi qua trong khoảng sân nồng nặc mùi ẩm mốc hoặc trong căn phòng tối với 4 bức tường bê tông.
Người đàn ông gầy gò này đã phải chịu cảnh xiềng xích trong suốt hai năm qua. Gia đình Sulaiman không biết phải làm gì khi anh cứ lấy đá ném vào cửa sổ nhà hàng xóm nên họ đã đưa anh tới trung tâm ở gần thị trấn Brebes trên đảo Java.
Gần đó, một người đàn ông khác tiểu tiện ngay tại chỗ chứ không thể nhấc chân đi tới nhà vệ sinh hôi hám gần đó đơn giản vì hai chân đang bị xích cứng vào ghế.
Dù tỉnh hay mê, ngày hay đêm, những con người đáng thương này đều phải chịu cảnh gông cùm.
Trong một căn phòng tối, giống như một nhà tù, một người đàn ông tên là Awan cho biết, ông bị xích "chung thân" với chiếc giường "24 giờ một ngày".
Một báo cáo của Tổ chức nhân quyền thế giới - Human Rights Watch (HRW) cho hay, các bệnh nhân tâm thần Indonesia, ngoài việc bị xiềng xích, còn bị bạo lực tình dục, đối mặt với liệu pháp sốc điện và bị giam giữ trong những căn buồng chật chội, kém vệ sinh.
Kriti Sharma, nhà nghiên cứu về quyền của người khuyết tật, tác giả của báo cáo trên cho biết: "Khó có thể tin tại Indonesia vào năm 2016 lại vẫn còn tình trạng con người ta bị giam cầm. Cảm giác đó như thể như sống trong địa ngục".
Indonesia có dân số 250 triệu dân, nhưng chỉ có 48 bệnh viện tâm thần, trong đó phần lớn các bệnh viện này đều nằm ở các đô thị lớn.
Trong một căn phòng tối, giống như một nhà tù, một người đàn ông tên là Awan cho biết ông bị xích "chung thân" với chiếc giường "24 giờ một ngày".
Ở những vùng sâu vùng xa thiếu thốn điều kiện chữa trị, nhiều gia đình phải nhờ đến các trung tâm chữa bệnh niềm tin nơi các bệnh nhân bị xích lại và không được đối xử như con người.
Các bệnh nhân ở đây không được chẩn đoán để điều trị đúng cách. Sholeh Mushadad, một trong những người điều hành trung tâm, chỉ nói rằng gia đình những người bệnh mang họ đến đây vì họ "không bình thường".
Mushadad cùng với anh trai và người cha già phụ trách giám sát khoảng 25 bệnh nhân tại đây cho biết những bệnh nhân tại trung tâm không được cung cấp thuốc chữa bệnh. Họ được "điều trị" bằng cách cầu nguyện và tắm trong nước thảo dược,
Bào chữa về việc cùm chân các bệnh nhân, ông này cho rằng, họ không có lựa chọn nào khác và họ làm vậy để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và chính họ.
Thầy mo Mundzir Rofii tới cầu nguyện cho các bệnh nhân tại trung tâm ở Brebes.
HRW cho biết, hiện nay có gần 19.000 bệnh nhân tâm thần ở Indonesia bị xích hoặc nhốt trong những buồng giam kín mà người dân địa phương gọi là “pasung”.
Theo số liệu của Bộ Y tế, có ít nhất 14 triệu người ở Indonesia trên 15 tuổi bị mắc một dạng bệnh tâm thần nào đó.
Việc xiềng xích các bệnh nhân tâm thần diễn ra trên khắp châu Á, nhưng đặc biệt phổ biến ở Indonesia. Nguyên nhân là do hạn chế về dịch vụ sức khỏe tâm thần và kiến thức về phương pháp điều trị thích hợp ở các vùng nông thôn.
Thậm chí, nhiều gia đình bệnh nhân còn không đưa người thân đi bệnh viên mà giữ họ tại nhà để chữa trị.
Trong một ngôi nhà tồi tàn ở gần Brebes, cô Waspiah, 25 tuổi, đã bị nhốt trong chuồng dê cùng các vật nuôi 3 ngày rồi. Cha mẹ cô chỉ để cho cô ra ngoài tắm rửa, vệ sinh rồi lại nhốt con gái trở lại chiếc cũi tre chật hẹp.
Bố mẹ của Waspiah buộc phải nhốt con trong chuồng dê, vì nếu không cô sẽ chạy khắp nơi phá phách.
Waspiah đã bị nhốt trong chuồng dê 3 ngày rồi. Cô chỉ được ra ngoài tắm rửa, vệ sinh rồi lại bị nhốt vào.
Fatoni, cha của Waspiah nói rằng, gia đình buộc phải nhốt cô lại vì nếu không cô sẽ chạy lung tung, làm phiền hàng xóm nhưng ông khẳng định đó chỉ là biện pháp tạm thời.
Trong tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng An sinh xã hội Indonesia đã hứa sẽ xóa sổ các "pasung", nhưng các chiến dịch tương tự được tiến hành trước đó đều đã thất bại.
Nahar, phụ trách vấn đề quyền của người khuyết tật tại Bộ An sinh xã hội, thừa nhận, việc xiềng xích các bệnh nhân tâm thần vẫn còn là một vấn đề lớn và cần rất nhiều thời gian để khắc phục.
"Vấn đề chính là sự sợ hãi. Người ta lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra nếu người bệnh tâm thần được thả tự do", ông Nahar cho biết.
Gần 19.000 bệnh nhân tâm thần Indonesia hàng ngày phải sống trong xiềng xích, đối mặt với lạm dụng tình dục và liệu pháp sốc điện kinh hoàng.