THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:41

Về thăm đất thép Củ Chi

Trong những năm kháng chiến, Củ Chi được mệnh danh là vùng đất thép thành đồng. Vùng đất này đã trở thành huyền thoại về sức chịu đựng, sự hy sinh và làm kẻ thù khiếp sợ.

Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất thành Gia Ðịnh, người Hóc Môn - Củ Chi đã đứng lên phản kháng, sử dụng vũ khí thô sơ bằng gậy tầm vông, giáo mác.

Các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Ánh Thủ, Phan Công Hớn đều có nghĩa sĩ Củ Chi - Hóc Môn và chính họ là tiền thân của lực lượng du kích Củ Chi.

Cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ xâm lược trên vùng đất thép là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện... Củ Chi trở thành nơi giằng co quyết liệt giữa ta và địch ở cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn.

Hội Cựu TNXP thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đền Bến Dược.

Hội Cựu TNXP thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đền Bến Dược.

Mỹ - ngụy muốn hủy diệt mầm sống trên đất, hủy diệt con người và ý chí chiến đấu của người dân Củ Chi nên đã đưa đến chiến trường Củ Chi đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, sử dụng các loại thiết bị chiến tranh, vũ khí hiện đại, có sức công phá lớn để đối phó với du kích Củ Chi, những người chỉ có vũ khí thô sơ tự tạo.

Ý chí đối đầu với bom đạn, lòng dân, lòng đất đối chọi với xe tăng, máy bay, thiết giáp. Và cuối cùng quân dân Củ Chi đã thắng... Là vùng căn cứ cách mạng nên huyện Củ Chi hiện có 30% hộ dân là gia đình chính sách và số Bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện chiếm 40% tổng số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của TP. Hồ Chí Minh.

Đền Bến Dược.

Đền Bến Dược.

Về thăm Củ Chi ngày giáp Tết, ngoài khu địa đạo đã được tôn tạo, giữ gìn làm bảo tàng cho các thế hệ mai sau đến thăm quan, còn lại thật khó để  tìm thấy dấu tích chiến tranh trên mảnh đất này. Hầu khắp các con đường chính ở Củ Chi đã được trải nhựa, làng xóm quy hoạch khang trang.

Ẩn hiện bên những luỹ tre, hàng dừa là những ngôi nhà mới xây đẹp đẽ, những khu vườn trồng hoa lan, những trang trại nuôi bò sữa và các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, nứa.

Ông Nguyễn Văn Tài, chủ cơ sở sản xuất mây tre ở xã An Phú Đông, chia sẻ: Bây giờ tre, trúc trở nên khan hiếm, quanh vùng chỉ ở Củ Chi mới có.

Phát huy thế mạnh này, được sự hỗ trợ của chính quyền, tôi mạnh dạn mở cơ sở làm mây tre. Sản phẩm của chúng tôi thuộc loại đơn giản như thang, giường, ghế ngồi... nhưng thu nhập cũng khá.

Đến cơ sở mây tre lá Tư Quyết ở ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, trong khu nhà kho khá rộng chất đầy sản phẩm như rổ, rá, khung xe đạp... đang chờ xuất khẩu sang các nước.

Chủ cơ sở, anh Tư Quyết tâm sự: “Tôi vốn là Bí thư Đoàn xã Trung Lập Hạ, thấy địa phương có nhiều tre, trúc nên tôi mạnh dạn đầu tư làm hàng xuất khẩu,  giải quyết việc làm cho gần 100 hộ gia đình với thu nhập ổn định”.

Phát huy thế mạnh của vùng đất ngoại thành, có quỹ đất và người dân cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, huyện Củ Chi đã đẩy mạnh hai chương trình kinh tế mũi nhọn là trồng hoa lan cắt cành và nuôi bò sữa.

Du khách quốc tế thăm địa đạo Củ Chi.

Du khách quốc tế thăm địa đạo Củ Chi.

Thời gian qua, huyện mạnh dạn vận động, hỗ trợ các hộ dân đầu tư trồng hoa lan giống Mokara, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sản xuất nông nghiệp nhằm tăng nhanh hộ khá. Nhiều hộ dân ở xã Phước Hiệp và xã Trung An đã mạnh dạn đầu tư trồng lan cắt cành, cho lợi nhuận cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lanh (xã Phước Hiệp) trồng hoa lan cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara theo tư vấn của các nhà khoa học ở Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh.

Ông cho biết, kỹ thuật trồng và chăm sóc đơn giản, dễ áp dụng nhưng kết quả rất khả quan. Tôi đầu tư sản xuất trên 1.500m2, thấy có hiệu quả nên mở rộng thêm 1.400m2 nữa, nâng diện tích trồng hoa lan Mokara lên 2.900m2.

Nhờ trồng lan cắt cành, gia đình tôi có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Vụ Tết này, chúng tôi đưa ra thị trường hàng chục ngàn cành lan và hiện các mối đặt hàng khá nhiều.

Nhờ mô hình trồng lan cắt cành, nhiều hộ gia đình ở Củ Chi có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tuần. Cùng với đó, mô hình chăn nuôi bò sữa cũng đang là hướng đi đúng, góp phần giúp Củ Chi phát triển mạnh về kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Đến xã Tân Thạnh Đông, chúng tôi cảm nhận được sức sống của một xã nông thôn mới. Dẫn khách đi thăm từng đàn bò sữa và những cánh đồng cỏ voi xanh mướt, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi khoe: “Tân Thạnh Đông đã đạt được 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 Ngay cả những tiêu chí khó đạt nhất là thu nhập bình quân đầu người và tiêu chí về môi trường, cán bộ và nhân dân địa phương cũng đã nỗ lực đạt được. Hàng trăm hộ dân trong xã đã có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên mỗi năm.

 Có được kết quả này phần lớn là nhờ người dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa và trồng lan”.

Tân Thạnh Đông là xã có đàn bò sữa lớn nhất so với các địa phương khác của TP. Hồ Chí Minh với 20.000 con. Nghề nuôi bò sữa không chỉ mang lại cuộc sống khấm khá cho 1.600 hộ trực tiếp chăn nuôi, mà còn tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ trồng cỏ.

Hiện 20 xã trong huyện và thị trấn Củ Chi đều phát triển mạnh nghề nuôi bò sữa. Điều đáng mừng, ngày càng có nhiều trang trại bò sữa được hình thành với quy mô từ vài chục con đến 250 con.

Với gần 10.000 hộ nuôi, tổng đàn bò sữa của huyện đã lên đến trên 70.000 con.

Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, Củ Chi còn chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư. Đã có gần 3.000 doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo việc làm cho gần 60.000 công nhân.

Bằng các giải pháp hỗ trợ vốn học nghề, tạo công ăn việc làm...  huyện đã giúp gần 7.000 hộ vượt chuẩn nghèo.

Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, trong quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh, Củ chi sẽ hình thành khu đô thị Tây Bắc với các cụm kinh tế công nghiệp- nông nghiệp và dịch vụ, trong đó có quy hoạch khu vui chơi giải trí quốc tế với diện tích 112 ha, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 10%.

Đặc biệt, huyện sẽ áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để phát triển nông nghiệp sạch, phục vụ giống cây, giống con không chỉ cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh mà cho cả khu vực.

Đất nước đang vào xuân, huyện Củ Chi cùng với TP. Hồ Chí Minh và cả nước cũng đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam trong niềm vui trọn vẹn, kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng ổn định, vui tươi, hạnh phúc.

Đào Hiền

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh