CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Đi qua mùa Nguyên đán

Hồn Tết xưa...

Người ta bảo Tết xưa chỉ nghĩ và chỉ lo đến miếng ăn. Câu đối cũng nói chuyện ẩm thực: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ca dao thì nói ước mơ tấm bánh miếng thịt: “Số cô chẳng giầu thì nghèo. Ngày Ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Đó là cái đặc thù của nền văn minh lúa nước, sau cả năm vất vả lam lũ, người nông dân thụ hưởng thành quả lao động của mình trong dịp Tết. Nhưng, Tết còn là lúc tưởng nhớ tổ tiên, cầu khấn đất trời, thần thánh mang vận may, hạnh phúc; đặc biệt là sum vầy, đoàn tụ gia đình. Cái tình chân thật ấy ấm nóng bên bếp lửa đỏ hồng nấu bánh chưng đợi giao thừa. Nước sôi reo vui trong nồi, củi khô nỏ thỉnh thoảng lại nổ tách tách. Mùi lá dong xanh và mùi sợi lạt giang gói bánh, mùi gạo nếp tan lẫn quyện hòa thành cái hương rất lạ đến xốn xang lòng người.

Trước đó, vào buổi chiều Ba mươi Tết, nhà nhà trong xóm mạc đã rục rịch nấu bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng màu xanh tượng trưng cho đất vuông, bánh dầy màu trắng tượng trưng cho trời tròn. Tổ tiên, vũ trụ đi vào niềm tin tâm linh nguyên sơ đã ngàn đời của dân Việt trong ngày Tết. Mẹ tôi bày nong nia ra sân gạch; gạo nếp mẹ ngâm từ chiều hai mươi chín tết; đậu xanh vừa đãi. Cha tôi đụng với hàng xóm một đùi lợn, thịt mới mổ còn nóng hổi. Chị gái tôi cắt lá dong xanh mướt ở vườn nhàv.v... Tất cả đem sắp ra để anh cả tôi gói bánh chưng. Trong khi ấy, chị dâu tôi còng lưng xay bột để nấu bánh dày. Cái cối đá nặng nề quay những vòng thời gian, thỉnh thoảng chị dâu tôi dừng lại múc nước đổ thêm vào cho cối đá dễ nghiền gạo ra bột. Bánh dày quê tôi không giống bánh dầy Quán Gánh nhào bột khô, cũng không giống bánh dày mạn Đền Hùng giã cơm nếp nhuyễn trong cối rồi nặn thành hình tròn. Bánh dầy quê tôi là thứ bột gạo để lắng dưới đáy chậu, rồi gạn nước ra. Một cái sàng đựng tro bếp, một tấm vải trắng đặt lên trên. Chị dâu tôi múc bột gạo sột sệt đổ trên tấm vải. Vài giờ sau, gio dưới tấm vải hút kiệt nước còn trơ bột ướt. Khi ấy mới đem nặn thành từng cái bánh tròn giữa có nhân đậu xanh và đường mía. Từng chiếc bánh chưng vuông vắn như khuôn đúc cứ chồng lên cao.

Ảnh minh họa: HT

Từng cái bánh dầy tròn sắp hàng trắng phau. Chập tối thì xong và bắc bếp nấu bánh chưng và hấp bánh dầy. Cha tôi dặn mấy mẹ con, chị em nấu gì thì nấu cũng phải vớt bánh chưng ra trước lúc giao thừa kịp đặt lên bàn thờ cúng.

Đêm đón giao thừa náo nức chờ nếm cái bánh mót mới bình dị làm sao. Bánh mót là loại bánh tận dụng, vét voi số gạo, đậu, thịt... còn thừa lại chút ít, hoặc người gói cố tình để lại... gói dúm lại thành một cái bánh chưng chẳng ra hình thù gì, bé chừng một nắm đấm đặt trên cùng luộc cho bọn trẻ con nếm. Vậy mà cũng xốn xang, chờ đợi cái bánh có thân phận thừa thãi, bòn mót cứ y như trông ngóng một báu vật gần gũi ấm áp.          

Tôi vẫn nhớ cái gió hiu hiu lạnh, đến gần trưa thì hơi hửng nắng. Phiên chợ Ba mươi Tết vẫn ồn ào, tiếng vịt ngan kêu cạc cạc, tiếng lợn eng éc, tiếng kèn toe toe của người bán dạo kem mút hòa thanh trộn âm... Bọn trẻ ranh chúng tôi ngỡ ngàng bên mẹt tò he đủ hình dạng: Quan Công lẫm liệt, Chu Du đẹp giai dũng khí, Trương Phi cương trực nóng nảy, hoặc chỉ là ông Lã Vọng buông câu, con trâu kéo cày, con ngựa phi nước đại... được nhuộm phẩm xanh đỏ tím vàng rất vui mắt.

Ngoài cổng chợ có mấy hàng tranh Tết bán các bộ “xuân - hạ - thu - đông” tương ứng với các loại cây “mai, lựu, cúc, tùng”, hoặc tranh thằng bé mũm mĩm ôm con gà, hay tranh con lợn béo ỉn bên gốc dáy... Gần đó, là ông lão chít khăn xếp mặc áo the, hai chân chấp bằng trên cái chiếu hoa Kim Sơn, cầm bút lông chấm mực tàu ở nghiên thạch... cho chữ Nho; nhưng chẳng mấy người ỏ ê. Đã bao nhiêu năm trôi qua, thời gian như nước chảy qua cầu, cái âm hưởng, hương vị Tết mộc mạc ấm áp, da diết ngày xưa ấy mà bây giờ vẫn cứ hiện hữu ám ảnh trong lòng tôi không dứt được.

... và Tết nay

Có thể nói Tết xưa là “Tết nông nghiệp”, bây giờ ở làng quê, cái hồn Tết cổ truyền vẫn còn, nhưng là cái Tết mang bóng dáng văn minh công nghiệp vì cách ăn Tết, đón Tết đã khác đi rất nhiều. Không còn cảnh, nhà nhà bì bọp tát ao... rộn ràng đón năm mới từ Tết Ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) nữa. Thật vô cùng nuối tiếc! Hình ảnh đầu làng kéo lưới, cuối làng đánh cá như ngày hội, người dưới ao úp nơm, mò cá, người trên bờ kéo lưới hoặc đứng lố nhố chỉ chỏ, hò hét, nhặt cá; cái làng quê tĩnh lặng đến hiu hắt bỗng chốc sôi động ồn ào vui hẳn lên... chỉ còn trong ký ức. Bây giờ, hồ ao lấp sạch, người ta nuôi cá, nuôi lợn công nghiệp trong trang trại; tất cả đồ ăn thức uống chỉ dùng trong ngày Tết thì bày bán cả ngày thường ở chợ huyện hoặc các cửa hàng dọc phố làng. Bánh chưng đã có người chuyên nấu bán, giò nạc đã có thợ chuyên giã luộc bán. Tết đến nhẹ tênh. Không tất bật, rộn ràng mua sắm, dồn góp cho Tết. Thậm chí cứ đủng đỉnh đến sáng Ba mươi Tết, cầm điện thoại gọi một lượt đến các cửa hàng, chỉ một tiếng đồng hồ sau là bánh chưng, giò lụa, chả quế, bóng bì, măng miến, khoai tây, cà rốt, hành củ nén sẵn...  ùn ùn mang đến.            

Ảnh minh họa: HT

 

Tết xưa cả làng chỉ có vài cái xe máy “cái ươn”, “cái vàng”, simson của mấy anh chị đi thoát ly đồng ruộng làm cán bộ, sĩ quan về quê, bóp còi inh ỏi, khói đen phụt mù mịt mà lũ trẻ con vẫn hò hét chạy theo sau mừng rỡ. Tết nay, xe ô tô đẹp bóng mượt lũ lượt về làng đậu chình ình ở cổng. Comple, calavat, nước hoa Chanel, Lacome, váy ngắn, đầm dài, giầy đen, guốc cao gót về làng... thì ba tê, lạp sườn, xúc xích, thịt đà điểu châu Phi, thịt cừu Úc, cá hồi sông Hằng, rượu Ballantines, Hennissy... cũng về theo.  

Ngày trước, người phố lũ lượt về quê ăn Tết, hoặc ở nhà cúng tổ tiên, hoặc đi dạo bờ Hồ xem bắn pháo hoa, hoặc đón khách đến xông nhà. Bây giờ, nhiều nhà thắp hương vòng để cháy được lâu ngày trên bàn thờ rồi đóng cửa im ỉm suốt dịp Tết.

Thì ra, họ về quê làm nghĩa vụ với dòng họ, tổ tiên từ ngày 23 tháng Chạp, rồi vội vã ra phi trường cho kịp chuyến bay đón giao thừa ở Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né, người thì đi tàu lên Sa Pa, đi ô tô đến Hội An, Bà Nà... ăn Tết. Vất vả, lam lũ mưu sinh quanh năm cũng phải đến lúc nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả do mình làm ra, và cũng là một cách làm mới cuộc sống, làm mới những cái Tết lặp đi lặp lại nhàm chán tẻ nhạt cũng là một nhu cầu chính đáng. Tết ở không gian mới, con người mới, hương vị Tết mới... dĩ nhiên là cảm xúc mới, cũng đáng đồng tiền bát gạo, đáng mất thời gian công sức lắm. Kinh tế phát triển, đời sống đang lên, sự dịch chuyển không gian Tết và cách thức ăn Tết thay đổi chẳng biết vui hay buồn?                                                       

Dù vậy, tâm trạng rạo rực, xốn xang lúc giao thừa thì xưa hay bây giờ, ở quê hay phố, hoặc một nơi nào đó xa nhà vẫn cứ là thời khắc đặc biệt linh thiêng. Ngày xưa, khoảng 1 giờ nữa là đến giao thừa, tôi xách đèn chai cầm cút rượu đi trước, cha tôi bưng món lễ đi sau ra điếm đầu làng cúng; bây giờ cha tôi đã về với tổ tiên, anh tôi cũng mất rồi, thì thằng cháu đích tôn cầm đèn ba pin đi trước, anh cháu trưởng bưng lễ đi sau ra điếm làng cúng giao thừa. Và như sắp đặt của vũ trụ, xưa và nay vẫn thế, cứ về đến nhà thì cũng là lúc chuông đồng hồ điểm dõng dạc từng nhịp đón giao thừa, năm cũ qua, năm mới tốt lành lại đến. Ngày xưa và cả bây giờ, tôi vẫn lắng nghe được cả tiếng mầm non cựa mình đang đội đất mọc lên dưới vô vàn bụi mưa xuân ẩm ướt nhẹ bay. 

NGUYỄN YÊN MÔ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh