THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:57

Để lễ chùa được trọn nét văn hóa tâm linh

Thành kính khi lễ chùa (nguồn ảnh: vnanet.vn). 

Mùa lễ hội mới bắt đầu nhưng đã bộc lộ những tồn tại không đẹp: người ta thi nhau cúng bái với lễ vật thật to, đốt thật nhiều vàng mã, nhét tiền vào tay tượng, rải tiền xuống hồ nước, rồi liên hồi xin xỏ thần thánh như một sự mặc cả. Có người còn  khắc tên, lời cầu của mình lên vách tường chùa. Thậm chí, còn đem tiền bạc đến “bán khoán” con mình cho Phật như một cuộc mua bán chốn dương gian.

Một số nơi, khách hành hương còn phải chứng kiến những thanh niên văng tục ngay chốn đền chùa, những hành vi xô ngã cụ già, dẫm đạp lên nhau tranh cướp lộc…

Chùa vốn là chốn linh thiêng, thanh tịnh, tách biệt với thế tục để những người xuất gia tĩnh tâm tu hành, để chúng sinh tới tỏ lòng kính ngưỡng Phật, gieo mầm cơ duyên với Phật pháp. Đi lễ chùa mà có những hành vi thiếu hụt văn hóa thì đã vô tình làm hư hại tính tôn nghiêm và cảnh quan nơi linh thiêng, như thế chẳng thể tìm được chút thanh tịnh cho chính mình.

Ở khía cạnh khác, không ít người còn phân biệt chùa này thiêng, chùa kia to để tập trung cúng bái, xin xỏ với thần thánh. Họ tìm đến theo tâm lí đám đông và cho rằng, chùa thiêng thì xin gì được nấy, xin được nhiều tiền tài, địa vị, được trúng quả này quả nọ nên sắm lễ thật to. Như vậy, cái tâm cầu tài lộc quá mạnh đã khiến người ta quên mất: Đức Phật không ban phát mà nhìn vào tâm đức, lòng nhân của người đi lễ. Ở đâu có thiện đức thì ở đó có Phật, đó là câu nói từ bao đời nay. Chùa to hay nhỏ, nếu con người không sống đức hạnh,  Phật cũng chẳng thể ngự chứ nói gì đến ban phước, phát lộc.

Theo quan niệm của Phật giáo, đức Phật chỉ có thể giúp những người hướng tâm tích đức tu thiện. Phật cũng khuyên con người kiềm chế “tham sân si” để đạt được tâm thanh tịnh, chứ không thể ban phát tài lộc, công danh, hay giúp con người tiêu tai giải nạn.

Với ý nghĩa đó, giá trị cốt lõi khi đi lễ chùa là ở lòng thành kính và thấm đượm những giáo lý về đạo đức, bác ái do đức Phật dạy. Người đi lễ cần thể hiện lòng tôn những giá trị đạo đức văn hóa của tín ngưỡng- tôn giáo…, tìm an lạc trong tâm thái, để khởi phát thiện tâm, chứ không phải để cầu xin đắc phúc, được lộc. Bởi, tiền tài, danh vọng là những thứ Phật luôn khuyên con người không nên chấp mê, sân si vào đó.

Giáo lý, giáo luật của Phật giáo cũng không có việc đốt tiền, vàng mã, không có cúng mâm cao cỗ đầy. Hành giáo chỉ khuyên làm nhiều việc thiện, lấy công đức để giải tỏa tâm hồn, siêu độ vong linh. Vì vậy, đến chùa chỉ cần thắp một nén tâm nhang và yên lặng để trải nghiệm đời sống nội tại cách sâu lắng. Thành tâm và yên lặng là biểu hiện truyền thống văn hóa Phật giáo và là cách tốt nhất để quán tưởng hướng về đức Phật, tìm lại bình yên trong tâm hồn và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh