Đi chùa lễ phật đầu năm
- Văn hóa - Giải trí
- 15:26 - 28/01/2017
Sự kết thúc cũng là sự bắt đầu, khi những ngày tháng cuối cùng trong một năm qua đi, cái cũ khép lại thì cũng là lúc cái mới bắt đầu theo qui luật ấy. Khi mùa đông qua đi thì mùa xuân lại đến, cả không gian và thời gian mùa xuân khiến cho con người tự nhiên trùng xuống, tĩnh lặng, suy tư nhiều hơn về những gì đã làm trong năm cũ và cả những dự định trong năm mới. Nhưng dường như có điều gì sâu xa hơn, đó là những chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời và mong cho mình và gia đình một cuộc sống an vui, hạnh phúc.
An vui hay hạnh phúc chỉ trạng thái thỏa thích trọn vẹn trong lòng, chuyển tải ý nghĩa những gì tốt đẹp nhất mà cuộc đời mỗi con người hằng ước muốn như giàu sang, yên lành, sống thọ, mọi sự như ý. Cho nên, người không có hạnh phúc, người không được hạnh phúc là trong cuộc đời người ấy gặp nhiều nghịch cảnh, muộn phiền... Và những gì người ta chúc nhau trong dịp đầu xuân không gì hơn là chúc cho nhau, gửi đến nhau niềm hạnh phúc, mọi sự vừa lòng đẹp ý. Đi chùa lễ Phật vào những ngày đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam.
Trên phương diện tôn giáo, có người đi chùa vì niềm tin chư Phật, Bồ tát cứu độ cho mình, có người đi du xuân ngoạn cảnh, nhưng cũng có người đi cầu xin những gì mình đang muốn có trong cuộc sống hàng ngày... Nhìn chung, mỗi người mỗi lý do, nhưng tất cả đều mong cầu sự khởi đầu một năm mới mọi điều tốt đẹp. Vì thế, đi chùa lễ Phật vào mùa xuân, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền đã trở thành một hoạt động không thể thiếu đối với người dân Việt Nam. Đương nhiên, người dân Việt Nam không chỉ đi lễ chùa mà còn tham dự nhiều tín ngưỡng truyền thống khác, như lễ đình, đền, phủ... nhưng dường như lễ chùa có phần ưu trội hơn cả.
Phần lớn người dân Việt Nam đặc biệt coi trọng việc lễ Phật trong những ngày Tết, và vì thế, các ngôi chùa ở miền Bắc thường mở hội đúng dịp mùa xuân. Mọi người quan niệm, lễ Phật trong những ngày đầu năm là sự gột rửa những điều phiền muộn của năm cũ và mong đem lại sự thanh tịnh, hạnh phúc trong năm mới. Nhưng cũng có nhiều người quan niệm, đi chùa lễ Phật trong những ngày này để mong cầu sức khỏe, tiền tài, công danh, sự nghiệp. Đương nhiên, việc đi chùa để xin “lộc Phật” như vậy không phải do lỗi của con người, mà là ước nguyện của con người trong cuộc đời này. Có người xin lộc tiền tài, có người xin lộc về con cái, có người xin lộc công danh, có người xin lộc sức khỏe dồi dào... tất cả là hạnh phúc, mà theo quan niệm của đạo Phật đó là hạnh phúc trần thế, hạnh phúc ở cõi Ta bà mà con người luôn mong muốn có được.
Tuy nhiên, việc đi lễ chùa ngày nay đã và đang có những biểu hiện phản cảm, phản văn hóa. Nhiều người đi lễ chùa không ý thức được mình đang vào một chốn tâm linh thanh tịnh. Họ ăn mặc không kín đáo, ngôn từ dung tục, lễ vật cũng không khác gì ngôn ngữ… điều này không chỉ được phản ánh khá nhiều trên các trang báo mà còn phản ánh cuộc sống của con người dường như ngày càng trở lên bất an, mang cái phông văn hóa sơ cứng để đi tìm hạnh phúc nội tâm. Họ chưa có sự hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật.
Đạo Phật quan niệm không có gì lớn hơn một con người có nội tâm thanh tịnh, nuôi dưỡng tâm thanh tịnh. Nguồn gốc của mọi khổ đau, không hạnh phúc là Vô minh. Trong ngôn ngữ Pali hay chữ Phạn, vô minh có nghĩa là sự thiếu hiểu biết, là nhìn sai, hiểu sai. Vô minh làm cho con người đần độn, u mê, làm cho con người luôn thèm khát không cùng và làm cho con người đầy hận thù. Vì vô minh nên con người tham lam, sân hận, si mê, làm cho con người có những hành động sai lầm và kéo con người, trói buộc con người trong vòng sinh tử luân hồi, khiến cho con người không ý thức được những gì đang trói buộc mình. Bản chất của hiện thực là vô thường, là khổ đau, là vô ngã. Cho nên trong giáo lý đạo Phật, có rất nhiều phương pháp được xem là “phương tiện thiện xảo” để mỗi người tự tìm lấy con đường thích hợp cho mình nhằm dứt khổ đau. Đương nhiên, họ cũng phải tuân theo một số nguyên tắc cơ bản nào đó được đạo Phật qui định và khi người nào dứt được sự tham lam, sân hận và si mê đồng nghĩa là người có nội tâm thanh tịnh, thanh thản. Cho nên, có thể thấy, người nào say mê tiền tài vật chất, danh vọng quyền lực, ăn uống no say, hoang phí,... thì đó chính là tâm bị chi phối. Khi tâm ai đó bị chi phối bởi lòng tham thì đó cũng là cội nguồn của mọi điều bất hạnh.
Lễ hội chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn, Ninh Bình).
Đi chùa lễ Phật đầu năm là gieo hạt giống Bồ đề trong tâm qua sự thực hành đúng cách. Đó là lễ Phật trong khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, trong khoảng không gian lắng đọng nhất trong năm. Nhưng làm sao để lễ Phật đúng cách. Phật ở đâu xa! ở ngay trong tâm mỗi người. Lễ Phật cũng là nuôi dưỡng cho tâm mình trở nên thanh tịnh và khi tâm thanh tịnh thì hạnh phúc đâu xa.
Người Việt coi trọng việc lễ chùa cho nên việc dâng lễ vật cũng được mọi người đặc biệt coi trọng. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ, lên chùa đảnh lễ chư Phật, Bồ tát bằng cái tâm chí thành thì không cần phải lễ vật. Nhưng nếu thể hiện tấm lòng của mình hướng đến chư Phật, Bồ tát thì mọi người nên dùng lễ chay. Lễ chay gồm hương hoa, trà quả… Nhưng quan trọng hơn cả, người đi chùa lễ Phật cần phải có tâm thanh tịnh, dâng lễ vật thanh tịnh chứ không phải đi chùa lễ Phật bằng cái tâm mong cầu với những lễ vật bất tịnh.
Đạo Phật luôn hướng con người tu tâm dưỡng tính để thoát khổ. Thoát khổ không gì bằng tu tâm dưỡng tính được thể hiện bằng tự mình làm việc thiện, bỏ việc ác. Cho nên, việc lên chùa lễ Phật cũng chính là Niệm Phật. Niệm Phật là tâm hướng về Phật sẽ đem lại cho người đó rời xa vô số điều xấu, tiêu trừ nghiệp xấu, hướng con người đến hạnh phúc an lạc trong cuộc đời này. Đó là con đường thoát khổ của nhân gian. Ai cũng mong mình và gia đình, người thân được sống hạnh phúc, yên bình. Vì thế, lên chùa lễ Phật vào những ngày đầu xuân năm mới có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Con người được tắm mình trong không khí trong lành của trời đất, trong không gian thanh tịnh và thánh thiện của chư Phật, Bồ tát. Tất cả không gian ấy, thời gian ấy khiến cho con người như được gột sạch những “bụi trần”. Cho nên, những lời cầu nguyện, van xin công danh sự nghiệp không có trong đạo Phật, chỉ có tinh thần từ bi, vị tha, suy nghĩ đúng mới đem lại cho con người hạnh phúc tròn đầy.
Theo quan niệm của đạo Phật, kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình, cho nên người đi lễ chùa đầu năm cũng cần xả bỏ những tham lam, những sân hận, những si mê. Xả bỏ để cảm nhận tình yêu thương của chư Phật trong một không gian, trong một thời khắc đặc biệt của mùa xuân. Đó chính là “lộc” lớn nhất cho người đi chùa lễ Phật trong thời khắc đặc biệt của mùa xuân. Món quà ý nghĩa mà đạo Phật ban cho con người không phải là tiền tài, danh vọng… mà chính là sự thanh tịnh, an lạc trong tâm hồn. Giúp cho con người hướng thiện, nhận diện khổ đau và đối diện với khổ đau bằng những hành động cụ thể, tu tâm dưỡng tính, hoàn thiện nhân cách đạo đức. Làm được như vậy, hạnh phúc và mùa xuân luôn đi cùng với con người.