CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

ĐH Ngoại thương nhận hồ sơ thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên

 

Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đầu vào đại học năm 2015, trường đã ra ngưỡng điểm xét tuyển riêng. Theo đó, Bách khoa chỉ nhận hồ sơ của thí sinh có điểm thi THPT quốc gia ở 3 môn thuộc một tổ hợp đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng chương trình đào tạo quốc tế do các trường đối tác nước ngoài cấp bằng với mã QT31, QT32 và QT33, ngưỡng xét tuyển đầu vào từ 16,5 điểm.

Quy tắc tính ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Các thí sinh này dự thi THPT quốc gia đều phải ở cụm do các đại học chủ trì, đã được công nhận tốt nghiệp THPT và đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 trở lên (trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT bản gốc của thí sinh trúng tuyển khi đến làm thủ tục nhập học).

Năm 2014 điểm trúng tuyển đại học các ngành thuộc hệ chính quy của trường là từ 18 điểm. Chương trình đào tạo quốc tế là 15 điểm.

Đại học Ngoại thương cũng mới đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào năm 2015. Trưởng phòng đào tạo Lê Thị Thu Thủy cho biết, trường sẽ nhận hồ sơ đạt điểm thi THPT các môn khối A là 22 điểm; khối D, A1 là 20; khối D vào các ngành ngôn ngữ là 27 điểm (ngoại ngữ nhân hệ số 2). Điều kiện xét tuyển của trường là thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở lên. Hạnh kiểm từng năm học THPT từ loại khá trở lên.

Điểm trúng tuyển vào trường xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi. Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2. Điểm trúng tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật và các ngành học tại cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.

Năm 2014, điểm trúng tuyển vào trường ở các khối - ngành là từ 22 (nhân hệ số 1 các môn) đến 30 điểm (nhân hệ số 2 môn ngoại ngữ).

Đại học Ngoại thương có ngưỡng điểm nhận hồ sơ từ 20 điểm. Ảnh: Giang Huy.

Đại học Kinh tế quốc dân lấy ngưỡng xét tuyển đầu vào là tổng điểm 3 môn thi thuộc một trong các tổ hợp đăng ký đạt từ 17 điểm (tính cả điểm ưu tiên), không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1 điểm trở xuống. Các thí sinh cũng phải tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại cụm thi do trường đại học/học viện chủ trì.

Năm 2014, điểm sàn trúng tuyển vào Đại học Kinh tế quốc dân khối A, A1 và D1 (không nhân hệ môn tiếng Anh) là 21; khối A1 và D1 (tiếng Anh nhân hệ số 2) là 28. 

Đại học Y Hà Nội đang xem xét việc có đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào. Tuy nhiên, theo Hiệu phó Nguyễn Hữu Tú, căn cứ vào mức điểm các năm trước và phổ điểm năm nay, thí sinh đạt 20 điểm thi THPT quốc gia ở 3 môn của một tổ hợp xét tuyển nên đăng ký những mã ngành thấp của trường. Thí sinh nên xem xét kỹ điểm chuẩn vào Đại học Y Hà Nội những năm trước để đăng ký cho phù hợp. Dự đoán điểm vào trường năm 2015 sẽ không thấp hơn năm 2014 (từ 20 đến 26,5 điểm).

"Các thí sinh nên tham khảo kỹ điểm vào từng mã ngành để nộp hồ sơ. Chỉ tiêu cho Y đa khoa ít và điểm chuẩn luôn rất cao. Ngoài ngành này, trường còn 8 mã ngành khác. Trong đó, rất nhiều ngành xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn như: cử nhân dinh dưỡng, y tế cộng đồng hay khúc xạ nhãn khoa... mà điểm chuẩn có thể thấp hơn Y đa khoa 5-7 điểm", Hiệu phó Đại học Y Hà Nội nhắn nhủ. 

Học viện Ngoại giao nhận hồ sơ đạt từ 15 điểm ở tổ hợp 3 môn và không có điều kiện sơ tuyển. Học viện Ngân hàng lấy từ 17 điểm. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh