Đến sáng 6/6, thế giới có trên 535,28 triệu người mắc COVID-19
- Tây Y
- 08:36 - 06/06/2022
Đến sáng 6/6, thế giới có trên 535,28 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,32 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản ổn định tại nhiều nước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người có kháng thể đã đạt tới khoảng 2/3 dân số toàn cầu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn là một thách thức, các nước không thể chủ quan khi dịch bệnh vẫn có dấu hiệu gia tăng và tiềm ẩn sự xuất hiện của các biến thể mới.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 86,51 triệu ca mắc và hơn 1,033 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 8.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 5/6, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,17 triệu người mắc COVID-19, bao gồm gần 524.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đang có xu hướng gia tăng. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận hơn 6.200 ca mắc mới, mức cao nhất trong gần một tháng qua. Phần đông số ca nhiễm mới tại Ấn Độ được ghi nhận ở thành phố Mumbai.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 667.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 31,15 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Số ca COVID-19 ở Pháp bắt đầu tăng trở lại. Cơ quan Y tế Công cộng của Pháp cho biết, số ca COVID-19 ở nước này đã tăng trở lại với mức trung bình khoảng 20.000 ca/ngày trong 7 ngày qua sau nhiều tháng giảm mạnh. Guillaume Spaccaferri, nhà dịch tễ học của cơ quan này phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây rằng, tình hình trên có khả năng do một biến thể Omicron mới và việc kết thúc tất cả các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 ở Pháp.
Hiện Pháp ghi nhận trên 29,62 triệu ca mắc COVID-19, bao gồm hơn 148.400 trường hợp thiệt mạng.
Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng, hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trên thế giới có thể đã không được chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh về thận nguy hiểm chết người. Tổn thương thận nghiêm trọng (AKI) xảy ra khi cơ quan này bỗng dưng không lọc máu nữa, đôi khi dẫn tới cơ thể suy nhược hoặc thậm chí tử vong. Trường hợp này thường có nguyên nhân là các biến chứng của các bệnh nghiêm trọng khác.
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Queensland, cũng là chuyên gia về thận Marina Wainstein cho biết, các số liệu hiện có cho thấy, khoảng 20% bệnh nhân mắc COVID-19 nặng phải nhập viện đã có các tổn thương AKI và con số này là 40% đối với những người phải điều trị tích cực.
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/6 đưa tin, nước này ghi nhận thêm gần 74.000 ca nghi nhiễm COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Như vậy, tổng số trường hợp bị sốt tại nước này trong đợt bùng phát dịch từ giữa tháng 5 đến nay đã vượt lên mốc 4 triệu người trên tổng dân số 25 triệu.
Ngày 5/6, giới chức thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, từ tuần tới sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Cụ thể, người dân Bắc Kinh sẽ được phép đi làm trực tiếp trở lại và trường học sẽ mở cửa trở lại từ ngày 13/6. Cũng từ ngày 6/6, các nhà hàng, quán ăn có thể phục vụ khách tại chỗ, trong khi hoạt động vận tải hành khách công cộng được khôi phục bình thường. Người dân Bắc Kinh được yêu cầu cung cấp chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi vào nhà hàng, quán ăn, địa điểm công cộng hoặc khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, hai quận của Bắc Kinh gồm Phong Đài và Xương Bình sẽ vẫn duy trì các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Ngày 5/6, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 162 ca mắc mới, trong đó 56 người có triệu chứng và 106 trường hợp không triệu chứng, giảm so với 171 ca trong ngày trước đó. Số ca tử vong vì COVID-19 vẫn giữ nguyên ở mức 5.226 bệnh nhân. Tính đến ngày 5/6, Trung Quốc đại lục có 224.310 ca mắc COVID-19 có triệu chứng.
Về tình hình dịch COVID-19, trong ngày 5/6, Hong Kong ghi nhận 515 ca mắc mới và 4 trường hợp tử vong do COVID-19.