THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:33

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: “Đi tìm lẽ sống - Không ngại thử thách”

Gia nhập tập đoàn FPT từ năm 1993, Hoàng Nam Tiến là một trong những doanh nhân có tiếng ở Việt Nam khi đạt được nhiều thành tựu đáng nể khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong suốt 8 năm giữ chức vụ Chủ tịch FPT Software (từ 2011 đến đầu năm 2022), anh đã có nhiều cống hiến giúp FPT Software trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng đạt trung bình trên 30%. Từ ngày 3/3/2020, Hoàng Nam Tiến được bầu giữ chức Chủ tịch FPT Telecom. Bên cạnh đó, anh cũng là một giảng viên tại Viện Quản trị và Công nghệ, thu hút nhiều học sinh theo học nhờ lối giảng giải hấp dẫn và cách nói chuyện tự nhiên.

Bản sao của Mind Talks 4.1

Sống có trách nhiệm

Đối với Hoàng Nam Tiến, năng lượng đầu tiên khiến anh có để thức dậy mỗi sáng chính là trách nhiệm. Nhiều thứ chúng ta có thể từ bỏ nhưng trách nhiệm không thể từ bỏ.

Thay vì theo đuổi những sở thích đa dạng và thú vị như nấu ăn, lái máy bay hay lái xe phân khối lớn, anh lựa chọn trách nhiệm và đi học, đi làm một cách chăm chỉ, cần mẫn. Anh lý giải rằng, chỉ khi chúng ta nỗ lực để tối đa hóa hiệu suất thời gian của bản thân để tích lũy đủ và ổn định kinh tế thì mới có thể nuôi những đam mê, sở thích bên lề. Sau khi trở thành giám đốc của một đơn vị, anh đã xin nghỉ làm một thời gian để đến nước Úc học lái máy bay, thực hiện hoá ước mơ trở thành phi công. Đến lúc đó, anh tâm đắc rằng: “Nếu mình không cố gắng đi làm những công việc mình có khả năng trước đây, thì làm sao mình có đủ tiền để có thể làm được điều này?”

Học tập trọn đời

Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh sự quan trọng của việc “học tập trọn đời”. Hiện tại, anh đang theo học văn bằng Tiến sĩ vì anh nhận ra việc học tập từ sách báo, tài liệu, video là chưa đủ, chúng ta cần đến trường để có thể giao lưu và học cùng các bạn đồng môn, hay một khoá MBA sẽ giúp chúng ta nắm được kiến thức và kinh nghiệm của một người đi làm 5-10 năm.

Anh chia sẻ hai người thầy tuyệt vời nhất của mình đó là chủ tịch Trương Gia Bình, và ba của anh.

“Suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới” là một văn hoá của FPT. Chủ tịch Bình luôn hỏi anh rằng “Có gì mới không?”, rèn luyện cho anh một tinh thần sáng tạo, hãy luôn tạo ra những cái mới, thử thách với những điều mới, bởi khi chúng ta hài lòng với cuộc sống, có lẽ chúng ta đã già. Khi anh Bình giao một công việc mới mà anh Tiến chưa có kinh nghiệm, anh Bình sẽ làm cùng cấp dưới của mình, mặc dù chính anh Bình cũng chưa đương đầu với thử thách này bao giờ. Sau một thời gian cùng chung sức, anh Bình mới để anh Tiến làm một mình, nhưng vẫn đồng hành và theo sát. “Anh Bình là một nhà lãnh đạo rất có tâm, rất tâm huyết nên mới làm như vậy”.  Đây là một trong những bài học lãnh đạo quý giá mà anh Hoàng Nam Tiến học được từ người thầy Trương Gia Bình của mình.

Người thầy thứ hai anh Tiến chia sẻ, đó là ba của mình với cách dạy con rất khác lạ. Ông cho anh ở nhà 15 ngày, rồi cho anh lên doanh trại quân đội, gửi anh xuống đại đội trinh sát, hay khu quân y, anh được học tất cả những gì người lính làm hàng ngày. Ông còn bắt anh ở nhà tự nuôi lợn, từ đó anh biết trồng sắn dây, trồng cà chua, nuôi gà,… “Ông chưa bao giờ dạy tôi bất cứ một cái gì, mà cứ đưa tôi đi khắp nơi, mình nhận ra được cái gì, là do mình” - anh Tiến chia sẻ.

Học có chọn lọc

Chia sẻ nhiều hơn về “sự học”, anh không bao giờ yêu cầu các con của mình phải học giỏi toàn diện, nhưng cái gì quan trọng thì phải làm tốt nhất. Cuộc đời chúng ta không quá dài, chúng ta không thể làm tốt tất cả mọi thứ. Nhưng với những điều bản thân coi là quan trọng nhất, thì hãy trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó.

Anh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học những gì mình thích. Trong những lĩnh vực anh đã học tập và nghiên cứu, có những thứ tưởng là vô nghĩa, nhưng hoá ra lại đem lại giá trị rất lớn. Anh kể về câu chuyện đi học tâm lý học rằng anh đã học về ngôn ngữ cơ thể, về giọng nói, hay về đọc vị đối phương. Anh học môn này với tâm thế là “học cho vui thôi”, nhưng học xong anh đã nhận ra rằng khi mình làm lãnh đạo, mình ít có thời gian giao tiếp với thật nhiều người, học tâm lý học thật sự rất thú vị và giúp ích cho bản thân anh trong giao tiếp và kinh doanh. Sau này, anh đã xây dựng chương trình “Tâm lý học lãnh đạo - Psychology for Leaders” để lan toả giá trị đó cho những người khác.

Học từ thất bại

Ngoài việc học tập trong sách vở, internet, hay các khoá học, việc học từ thất bại cũng vô cùng quan trọng. Anh học được từ ba mình rằng “Thất bại ở đầu, đứng lên ở đấy”. Mọi người hay khuyên nhau “Never give up - Đừng bao giờ bỏ cuộc”. Anh chia sẻ rằng thật ra, trong một số hoàn cảnh, chúng ta cũng cần bỏ cuộc, có thể do năng lực bản thân không đảm bảo, hay do môi trường không phù hợp. Các bạn nên biết dừng lại khi gặp thất bại.

“Có những lúc trong kinh doanh, tôi ảo tưởng về bản thân và thất bại thảm hại. Mỗi lần thất bại, anh sẽ vẽ lại 3 “vòng tròn năng lực”: năng lực mà bản thân có, năng lực doanh nghiệp cần, và năng lực giúp bản thân kiếm được tiền. Mỗi lần như vậy, anh tìm ra 3 vòng tròn này giao nhau ở đâu và không khớp nhau ở đâu.

Lời khuyên cho giới trẻ

Thế hệ trẻ ngày nay đang phải đối mặt với thử thách lớn hơn nhiều thế hệ của anh. Hồi xưa, thời của anh chỉ mong tốt nghiệp đại học rồi vào cơ quan tốt làm là được. Nhưng thế hệ bây giờ, các bạn phải thử thách rất nhiều. Các bạn cũng xuất sắc và giỏi hơn thế hệ anh hồi xưa. Mà phụ huynh thì kì vọng quá nhiều vào con cái kể cả khi con chưa ra trường. Họ mong con mình đạt IELTS 8.0, có nhiều giải thưởng quốc tế, rồi làm tại thung lũng Silicon (Mỹ) với mức lương 100.000 đô/ năm. Kì vọng và thử thách lớn hơn đòi hỏi các bạn phải nỗ lực nhiều hơn thế hệ của anh rất nhiều. Tuy nhiên, anh lo ngại rằng cũng có một số bạn trẻ hiện nay tuy cũng có đam mê và hoài bão, nhưng thay vì thực sự cố gắng theo đuổi những lý tưởng sống ấy, họ bị sa đà vào những thú vui tạm thời như lướt Facebook, xem Youtube, Tiktok mỗi ngày,… “Các bạn sẽ không làm được gì hết bằng việc đó!” - Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến

Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến

Cuối cùng, chia sẻ về lẽ sống của mình, từng thời điểm anh Tiến lại có những suy nghĩ khác nhau. Anh luôn tâm niệm rằng thế hệ của anh là một thế hệ may mắn vì không trải qua chiến tranh, và được sự giúp đỡ rất lớn từ bố mẹ và những người xung quanh. Thế nên, động lực mà anh có chính là: “Chúng tôi nhận được rất nhiều, vậy chúng tôi tự đặt câu hỏi là mình phải làm gì?”. Anh luôn hỏi bản thân rằng làm thế nào để các bạn trẻ Việt Nam có thể vươn ra toàn cầu. Vậy nên, khi gặp khách hàng, anh cố gắng thuyết phục họ để có những hợp đồng mới, những hợp tác mới, để có thêm công việc cho người Việt Nam mình. Không chỉ các bạn trẻ, mà anh cũng muốn thuyết phục các phụ huynh ủng hộ những cách học mới, đa dạng và khai phóng hơn cho các em để các bạn có thể phát triển những kỹ năng cốt lõi cũng như rèn luyện được tư duy học tập trọn đời.

Cuối chương trình, anh Tiến đã gửi tới lời khích lệ các bạn trẻ rằng đừng ngại thử thách và thất bại, hãy cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Anh Tiến còn giới thiệu 3 cuốn sách dành cho những ai tham dự buổi nói chuyện. Đó là: “Nhà lãnh đạo tương lai” - Jacob Morgan, “Tiền không mua được những gì?” - Michael J. Sandel và “Nhà giả kim” của Paulo Coelho.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh