THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Đến sáng 22/9, số ca COVID-19 tiếp tục tăng ở Thái Lan và Philippines, Indonesia

Đến sáng 22/9, số ca COVID-19 tiếp tục tăng ở Thái Lan và Philippines, Indonesia - Ảnh 1.

Khách hàng trình thẻ vaccine khi ăn trưa tại một nhà hàng ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVn

Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang worldometer.info, tính đến 6h ngày 22/9 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 230.231.346 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.720.846 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 415.777 và 7.575 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 206.955.503 người, 18.684.209 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 100.133 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 94.060 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh (31.564 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (29.338 ca). Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới với 1.609 người chết; tiếp theo là Nga (812 ca) và Brazil (406 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 43.208.477 người, trong đó có 696.357 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 33.529.986 ca nhiễm, bao gồm 445.799 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.247.667 ca bệnh và 591.440 ca tử vong.   

Đến sáng 22/9, số ca COVID-19 tiếp tục tăng ở Thái Lan và Philippines, Indonesia - Ảnh 2.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, hiện phần lớn châu Âu đã mở cửa đối với khách du lịch quốc tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 sau đợt lây nhiễm bùng phát vào mùa xuân vừa qua. Các biện pháp nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường được thực hiện trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện do COVID-19 gia tăng ở nhiều nước, chủ yếu do nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, các chương trình tiêm vaccine COVID-19 được triển khai rầm rộ đã làm giảm đáng kể số người nhập viện so với những tháng đầu năm 2021. Tiến độ tiêm chủng khác nhau mang đến những gam màu khác nhau trong bức tranh tình hình dịch bệnh tổng thể tại những nước châu Âu, khi các chính phủ phải chuẩn bị phương án ứng phó với nguy cơ số ca mắc gia tăng trong những tháng mùa thu và đông.

 - Ảnh 1.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới. (Ảnh: AP)

Bang New South Wales, tâm điểm trong làn sóng bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Australia, lại chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng. Theo đó, bang này đã ghi nhận 1.022 ca mắc mới trong ngày 21/9, cao hơn so với con số 935 ca của ngày trước đó. Ngoài ra, bang New South Wales cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trong đợt dịch mới nhất này lên mức 255 ca.

Đến nay, Australia đã báo cáo trên 88.700 ca mắc COVID-19, bao gồm 1.178 trường hợp thiệt mạng.

Giới chức y tế New Zealand thông báo đã ghi nhận 13 ca mắc biến thể Delta trong bối cảnh Auckland, thành phố lớn nhất nước này, hạ mức cảnh báo từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 từ nửa đêm 21/9. Với số liệu trên,  tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần này tại New Zealand đã lên tới 1.085 ca, thành phố  Auckland  đã duy trì mức cảnh báo cấp độ 4, mức cao nhất trong biện pháp phong tỏa, trong hơn một tháng qua. Theo mức cảnh báo này,  các trường học, hoạt động kinh doanh không thiết yếu vẫn phải đóng cửa.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Lào đang khẩn trương truy vết những người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế Lào ngày 21/9 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 331 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 296 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. 

Theo Bộ Y tế Lào, khu vực thủ đô vẫn là điểm nóng về dịch COVID-19 khi ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng trong một ngày cao nhất cả nước với 176 ca, trong đó chủ yếu là ở ổ dịch nhà máy may được phát hiện từ ngày 18/9. Ngoài ra, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn tiếp tục gia tăng tại một số tỉnh như Champasak, Khammuan. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 19.730 trường hợp, trong đó có 16 người tử vong.

Ngày 21/9, báo Khmer Times dẫn thông tin từ Viện Pasteur Campuchia cho biết, tính đến ngày 19/9, viện này đã phát hiện tổng cộng 5.751 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong nước, tăng hơn 2.000 ca so với số liệu thống kê này 10 ngày trước đó.

Kể từ khi Campuchia phát hiện các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta vào ngày 31/3/2021, biến thể nguy hiểm này đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó nhiều nhất là tại Phnom Penh, tiếp đến là các tỉnh có chung biên giới với Thái Lan gồm Banteay Meanchey, Oddar Meanchey, Siem Reap, Battambang và Preah Vihear. Số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia tăng rất nhanh kể từ khi biên giới Campuchia - Thái Lan mở cửa trở lại vào ngày 13/8 và lao động Campuchia từ Thái Lan ồ ạt trở về nước.

Ngày 21/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 17 ca tử vong và 628 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 121 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận 105.344 ca mắc COVID-19, trong đó 98.186 người đã khỏi bệnh và 2.140 người tử vong.

Trung tâm xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) ngày 21/9 cho biết, nước này đã ghi nhận 10.919 trường hợp mắc COVID-19 mới và 143 ca tử vong do căn bệnh này. Trong số các trường hợp mới ghi nhận, 4.184 ca phát hiện tại thủ đô Bangkok và 5 tỉnh lân cận.

Như vậy, hiện Thái Lan đã có hơn 1,5 triệu người mắc bệnh và tổng cộng 15.612 ca tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong ngày 21/9, nước này có thêm 11.694 bệnh nhân được xuất viện sau khi đã khỏi bệnh, trong khi vẫn còn 3.548 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch.

Bộ Nội vụ Thái Lan mới đây đã ban hành văn bản đề nghị chính quyền các địa phương sẵn sàng bắt đầu tiêm chủng cho học sinh vào cuối tháng 9 này. Số lượng học sinh là trẻ em từ 12-18 tuổi trong danh sách cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Thái Lan lên tới 4,5 triệu. Bộ Y tế nước này cũng đã phân bổ vaccine Pfizer để tiêm cho học sinh từ 12 tuổi trở lên. 

Trước đó, Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tiêm vaccine Pfizer cho học sinh từ 12-18 tuổi trên toàn quốc từ ngày 4/10, tại 29 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID 19. Vào ngày 20/9, Học viện Hoàng gia Chulabhorn đã bắt đầu tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc cho 2.000 trẻ em. Đây là chương trình được triển khai thí điểm với mục đích tạo miễn dịch trong các cơ sở giáo dục tại Thái Lan.

Ngày 21/9, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Sinovac và Sinopharm với tổng cộng 5,2 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia Johnny G. Plate cho biết, số vaccine nói trên do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc viện trợ. Tính đến nay, Indonesia đã có tổng cộng 267.550.400 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 58.776.000 liều vaccine thành phẩm của Sinovac. Ông Plate nhấn mạnh rằng, việc tiếp nhận hai lô vaccine trên là kết quả các nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Indonesia nhằm mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

 - Ảnh 2.

Hiện tổng cộng gần 4,2 triệu người mắc COVID-19 ở Indonesia. (Ảnh: AP)

Tại Indonesia, một đợt dịch mới có thể bùng phát vào cuối năm nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt 50%. Đây là cảnh báo của một chuyên gia dịch tễ nước này trong ngày 21/9. Việc nới lỏng một số lĩnh vực sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Kinh nghiệm cũng cho thấy, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia tăng mạnh sau các đợt nghỉ lễ dài. Hiện Indonesia đã tiêm chủng cho 125 triệu người, trong đó hơn 45 triệu người đã tiêm 2 liều. Những ngày qua, chính quyền Indonesia đã tiến hành các biện pháp nới lỏng sau khi số ca nhiễm giảm mạnh.

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin, 80% dân số Malaysia trên 18 tuổi đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Chia sẻ trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Khairy cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đạt tỷ lệ tiêm chủng trên vào 13h ngày 21/9 và Ủy ban Đặc biệt đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 (JKJAV) sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm đảm bảo 20% người trưởng thành còn lại hoàn thành chương trình tiêm chủng.

Chính phủ Malaysia sẽ xem xét việc nối lại du lịch giữa các bang nước này nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Thông tin do Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia đưa ra. Nếu được thông qua, các du khách trong nước có thể đi thăm một số điểm địa nổi tiếng như Cao nguyên Genting, Cao nguyên Cameron, đồi Fraser. 

Ngày 21/9, Malaysia ghi nhận thêm 15.759 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên trên 2,1 triệu trường hợp, trên 24.000 bệnh nhân không qua khỏi.

Một số chuyên gia y tế ở Singapore đang kêu gọi Chính phủ nước này áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca chuyển biến nặng gia tăng ở những người chưa tiêm phòng.

Chính phủ Singapore áp dụng các biện pháp mở cửa trở lại song song với mục tiêu bao phủ vaccine. Tuy nhiên, nước này đã phải tạm hoãn việc nới lỏng các hạn chế trong tháng 9 này để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh. Việc gia tăng số ca mắc COVID-19 chuyển biến nặng có thể gây quá tải hệ thống y tế.

Philippines đã quyết định sẽ mở cửa thí điểm 120 trường học tại các khu vực có nguy cơ thấp, tuy nhiên chưa xác định thời điểm cụ thể. Chương trình kéo dài 2 tháng, được thực hiện ở 100 trường công lập và 20 trường tư thục. Học sinh giới hạn mức 12 trẻ ở lớp mẫu giáo, 16 học sinh ở các lớp 1,2,3, trong khi cấp trung học phổ thông được phép có tối đa 20 học sinh/lớp. Mỗi buổi học sẽ chỉ diễn ra trong 3 - 4 giờ. Các học sinh học theo hình thức trực tiếp này sẽ cần có sự đồng ý của cha mẹ và người giám hộ. Philippines đã đóng cửa trường học trong suốt 18 tháng qua kể từ khi đại dịch bùng phát.

Bộ Y tế Philippines xác nhận, nước này có thêm 16.361 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên trên 2,4 triệu ca. Ngoài ra, Philippines cũng có thêm 140 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người thiệt mạng vì mắc bệnh lên 37.074 trường hợp.

Ngày 21/9, Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng của Nhật Bản, ông Taro Kono, cho biết, nước này sẽ bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho người cao tuổi vào đầu năm tới.

Tuần trước, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã quyết định tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường cho những người đã tiêm đủ 2 mũi, với lý do các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của các loại vaccine hiện nay sẽ giảm dần theo thời gian. MHLW cho biết, các phiếu tiêm vaccine sẽ được gửi cho người dân 8 tháng sau khi họ đã được tiêm mũi thứ 2.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 trước tiên cho các nhân viên y tế, bắt đầu từ tháng 2/2022, sau đó mở rộng phạm vi sang nhóm người trên 65 tuổi vào mùa xuân, tiếp đến là những người mắc các bệnh nền như tiểu đường và cuối cùng là tiêm đại trà cho người dân. Bộ trưởng Kono khẳng định, Nhật Bản có đủ nguồn cung vaccine để thực hiện chương trình này.

Nhật Bản có thể sẽ dỡ bỏ một phần tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và các vùng phụ cận vào cuối tháng 9 này do số ca mắc mới đã giảm đáng kể. Một số địa phương như Okinawa, nơi tình hình chưa được cải thiện, có thể tiếp tục gia hạn. Trước đó, Nhật Bản đã áp dụng tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và vùng phụ cận từ ngày 12/7 và liên tục gia hạn sau khi số ca nhiễm tăng mạnh. Theo đó, người dân được khuyến cáo tránh đến những khu vực đông đúc, các nhà hàng được yêu cầu đóng cửa trước 20h và không phục vụ rượu.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 21/9 thông báo, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 42 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều tập trung tại tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam nước này. Ngoài ra, Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận 30 ca mắc mới nhập cảnh, tập trung chủ yếu tại tỉnh Vân Nam. Kể từ khi dịch bùng phát tới nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 95.810 ca mắc COVID-19, trong đó gồm 4.636 người tử vong.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh