CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:00

Đến sáng 14/9, thế giới có tổng cộng 225,9 triệu ca mắc COVID-19

Đến sáng 14/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 225,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Các em nhỏ đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi ngày đầu tiên trở lại trường học sau thời gian dài giãn cách, tại Riverview, bang Florida (Mỹ) ngày 10/8/2021. Ảnh: AP/TTXVN

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 225.943.674 ca, trong đó có 4.651.105 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 70.000 ca, trong khi 24h qua, Nga có số ca tử vong cao nhất (trên 700).

Đến sáng 14/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 225,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 lưu động tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.013.330 ca mắc và 679.287 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.300 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó có 587.000 ca tử vong.

Đến sáng 14/9, thế giới ghi nhận tổng cộng 225,9 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 3.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại trường học ở Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Lào ghi nhận 198 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên tới 17.555 ca, trong đó có 16 người tử vong. Bộ Y tế Lào nhấn mạnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nhiều tỉnh ở Lào vẫn tiếp tục ghi nhận các cụm dịch trong cộng đồng. Bộ Y tế Lào cho biết đang xem xét nâng cấp độ nguy cơ lây nhiễm ở một số địa phương nếu tiếp tục không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và người dân không hợp tác trong việc tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Campuchia ghi nhận thêm 629 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 100.000 ca (cụ thể là 100.133 ca), trong đó có 2.049 ca tử vong. Trong số các tỉnh có số ca mắc COVID-19 ở mức cao, tỉnh Battambang bị tác động mạnh nhất với ít nhất 252 ca mắc mới tại ổ dịch chợ Kamrieng trên địa bàn tỉnh này. Diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia có xu hướng xấu đi kể từ ngày 10/9 với số ca nhiễm tăng trong số lao động Campuchia trở về từ Thái Lan và số ca nhiễm biến thể Delta tại Phnom Penh cũng như trên cả nước tiếp tục tăng. Hiện Campuchia dần tiến tới hoàn thành mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng khi gần 98% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19.

Một khảo sát do Bộ Y tế Thái Lan thực hiện cho thấy số người đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước này tử vong vì dịch COVID-19 chỉ chiếm 0,8% trong khi 64,6% là những người chưa được tiêm phòng, 20,2%, không thể phân loại trong bất kỳ nhóm cụ thể nào do không có hồ sơ tiêm chủng trong cơ sở dữ liệu hoặc do thông tin mâu thuẫn. Đến nay, hơn 27 triệu người trên khắp Thái Lan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine và khoảng 12 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Thái Lan sáng 13/9 thông báo ghi nhận 12.583 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ ngày 21/7, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 1.394.756, và thêm 132 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 14.485.

 - Ảnh 1.

Một trong những điểm tiêm vaccine COVID-19 tại đảo Phuket. Ảnh: A

Indonesia ghi nhận thêm 2.577 ca mắc mới, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 3/2020 đến nay lên 4.170.088 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 276 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.165 người. Theo thống kê chính thức, dịch COVID-19 tại Indonesia có xu hướng giảm dần từ đầu tháng 8 đến nay.

Tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao nước này ngày 13/9 quyết định gia hạn cảnh báo "Chú ý đặc biệt về du lịch" đến hết ngày 13/10 tới. Cảnh báo này áp dụng với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến của cơ quan phòng dịch, các ban ngành hữu quan, cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc đóng tại nước ngoài, đồng thời xem xét tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở cả trong và ngoài nước, cũng như thỏa thuận công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 với các nước để tiến tới dỡ bỏ dần lệnh này.

Chính phủ Nhật Bản xác nhận hơn 50% dân số nước này đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Nếu duy trì tốc độ tiêm chủng như hiện nay, đến cuối tháng này, hơn 60% dân số Nhật Bản sẽ được tiêm vaccine đủ liều, và nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt tới 80% sẽ có tác động đáng kể đến các nỗ lực chống dịch hiện nay. Với kỳ vọng ngày càng gia tăng về tỷ lệ người dân được tiêm chủng đủ liều, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nới lỏng các khuyến cáo về việc đi lại cũng như các sự kiện lớn vào tháng 11 năm nay.

 - Ảnh 2.

Đội ngũ y tá, bác sĩ tại trung tâm tiêm chủng được huy động từ các bệnh viện quân y trên toàn nước Nhật.

Ảnh: AP

Tại Ấn Độ, tâm lý tự mãn của một bộ phận người dân khi thấy số ca mắc và tử vong trong nước giảm đang gây lo ngại rằng nhiều người có thể bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai, ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương bởi đại dịch. Đến nay Ấn Độ đã tiêm hơn 744 triệu liều vaccine, với 60% trong số 944 triệu dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 19% tiêm đủ hai mũi. Sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao nhất thế giới trong hai tháng 4-5 vừa qua, hiện số các ca mắc mới ở Ấn Độ duy trì ổn định ở mức khoảng 40.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong cũng giảm mạnh. Cho đến nay, quốc gia Nam Á này có 33,26 triệu ca mắc bệnh, trong đó có 442.874 ca tử vong.

Australia ngày 13/9 thông báo nới lỏng các qui định phong tỏa phòng dịch COVID-19 đối với những người tại Sydney đã tiêm đủ liều vaccine, theo đó cho phép người dân được đi cắm trại theo nhóm nhỏ, lần đầu tiên sau nhiều tháng. Theo kế hoạch đưa đất nước thoát ra khỏi đại dịch của Thủ tướng Morrison, Australia sẽ bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, khi có 70% số người trưởng thành được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Australia ghi nhận thêm 1.745 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên hơn 75.300 ca.

Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa tại thành phố lớn nhất nước này Auckland để khống chế sự lây lan của biến thể Delta. New Zealand ghi nhận thêm 33 ca nhiễm biến thể Delta. Tất cả các ca nhiễm mới đều ở Auckland. Hiện quốc gia châu Đại dương này có tổng cộng 3.593 ca mắc COVID-19.

Theo số liệu giới chức y tế Đức công bố ngày 13/9, đã có 5.511 ca mắc mới COVID-19 và 12 ca tử vong, tăng so với mức 4.749 ca mắc/100.000 người ghi nhận một tuần trước đó. Cho đến nay, có khoảng 65,5% người dân ở Đức đã tiêm ít nhất một mũi và 62,2% đã được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đồng nghĩa với khoảng 34% dân số chưa được tiêm vaccine. Kể từ ngày 11/10, Đức sẽ ngừng việc xét nghiệm miễn phí. Quyết định trên được cho sẽ gây khó khăn cho những người chưa tiêm chủng khi tham gia các hoạt động công cộng.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh