THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:33

Đến sáng 17/10, thế giới có trên 241 triệu người mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 241.132.564 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.909.192 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 327.585 và 5.044 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 218.375.207 người, 17.869.496 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 79.087 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới với 43.423 ca nhiễm mới; tiếp theo là Nga (33.208) và Thổ Nhĩ Kỳ (28.537 ca). Nga dẫn đầu về số ca tử vong mới, khi lần đầu tiên vượt quá 1.000 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (425 ca tử vong); và Mỹ (386 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 45.765.411 người, trong đó có 744.266 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.066.738 ca nhiễm, bao gồm 452.156 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.638.726 ca bệnh và 603.152 ca tử vong.   

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,82 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 61,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 55 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,13 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,5 triệu ca và châu Đại Dương trên 272.000 ca nhiễm.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

VTV cũng đưa tin, Ủy viên của Liên minh châu Âu (EU) về Y tế và An toàn Thực phẩm cảnh báo, khi mùa đông đến, sự lưu hành đồng thời của virus gây ra đại dịch COVID-19 và cúm theo mùa có thể gây ra "đại dịch kép". Theo thống kê, khi chưa có đại dịch COVID-19, đã có tới 40.000 người ở Liên minh châu Âu (EU) tử vong mỗi năm do các nguyên nhân liên quan đến cúm.

Ủy viên EU về Y tế và An toàn Thực phẩm kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng bệnh cúm theo mùa bởi tiêm chủng vẫn là hình thức phòng ngừa hiệu quả nhất đối với cả dịch COVID-19 lẫn bệnh cúm. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, gần 3/4 dân số trưởng thành ở EU đã được tiêm vaccine COVID-19, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở EU không đồng đều. Sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm chủng cũng diễn ra ở bệnh cúm mùa.

Năm 2022, Nga sẽ sản xuất lượng vaccine Sputnik V và Sputnik Light đủ để tiêm chủng cho 1 tỷ người. Đây là khẳng định của Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, ông Kirill Dmitriev. Theo ông Dmitriev, đến cuối năm 2021, số liều vaccine Sputnik V và Sputnik Light sẽ đủ tiêm cho 700 triệu người. Số liệu của Bộ Công thương Nga cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu các loại vaccine của Nga đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước. Đến nay, vaccine Sputnik V đã được 70 quốc gia trên thế giới phê chuẩn sử dụng.

Theo báo cáo ngày 16/10 của cơ quan chức năng Nga, trong 24 giờ qua, nước này lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong trên 1.000 ca/ngày, trong khi số ca mắc mới cũng ở mức cao chưa từng thấy với 33.208 trường hợp. Hiện Nga là tâm dịch lớn thứ 5 thế giới với tổng cộng trên 7,95 triệu người nhiễm, đồng thời là quốc gia châu Âu có số người không qua khỏi do COVID-19 cao nhất "lục địa già" với 222.315 ca. Điện Kremlin cảnh báo, hệ thống y tế Nga cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 tăng cao.

Ngoài nguyên nhân người dân không chịu đi tiêm chủng, số ca mắc COVID-19 tại Nga liên tục tăng trong thời gian gần đây còn do nước này không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để khống chế sự lây lan của dịch COVID-19, mặc dù nhiều địa phương đã tái áp đặt quy định buộc người dân quét mã QR để được tiếp cận các khu vực công cộng. Điện Kremlin cho rằng, hệ thống y tế Nga cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 tăng cao.

Mặc dù Nga đã sớm triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong nhiều tháng qua nhưng giới chức nước này vẫn đang vật lộn trong việc làm sao để khuyến khích người dân đi tiêm chủng. Tính đến ngày 16/10, mới chỉ có 31% dân số Nga đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, theo kết quả một cuộc khảo sát độc lập, có hơn 50% dân số Nga cho biết không có ý định tiêm chủng.

Ngày 16/10, Nga ghi nhận kỷ lục hơn 1.000 ca tử vong vì COVID-19. (Ảnh: AP)

Ngày 16/10, Nga ghi nhận kỷ lục hơn 1.000 ca tử vong vì COVID-19. (Ảnh: AP)

Hệ thống siêu thị ở Frankfurt thuộc bang Hesse, Đức và các khu vực xung lân cận đang xem xét thực hiện quy định 2G, tức là chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine hoặc có chứng nhận đã từng mắc COVID-19 được đến siêu thị và những địa điểm đông người khác. Quy tắc 2G hiện đã được áp dụng tại các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ và rạp chiếu phim. Chính quyền bang Hesse cho biết, họ đã quyết định mở rộng phạm vi hơn nữa việc áp dụng quy định trên đối với hệ thống siêu thị và cửa hàng. Nhờ đó, các cửa hàng, siêu thị bang Hesse có thể bỏ quy định đeo khẩu trang và giãn cách trong khuôn viên của mình.

Quyết định trên được đưa ra sau khi một tòa án ở Frankfurt ra phán quyết có lợi cho một cửa hàng bán dụng cụ nướng thịt. Cửa hàng này trước đó đã đệ đơn kiện pháp lý về việc họ không thể thực hiện các quy tắc 2G tại cơ sở kinh doanh của mình. Trong phán quyết hồi đầu tháng 10 này, tòa án thừa nhận rằng vẫn còn hạn chế đáng kể về mặt pháp lý khi loại trừ các cửa hàng và cơ sở kinh doanh tương tự khỏi quy tắc 2G.

Ủy ban Quốc gia về xử lý đại dịch COVID-19 của Malaysia đã quyết định chuyển thêm 3 bang và vùng lãnh thổ liên bang là Kuala Lumpur, Putrajaya và Selangor sang giai đoạn 4 của Kế hoạch phục hồi quốc gia (NRP). Đồng thời, có thêm 5 bang khác là Kelantan, Perak, Penang, Sabah và Kedah sẽ chuyển từ giai đoạn hai sang giai đoạn 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/10 tới. Với quyết định này, Malaysia không còn khu vực nào nằm trong giai đoạn 1 và 2.

Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban với vai trò là Chủ tịch, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri khẳng định, việc đưa ra quyết định chuyển giai đoạn trong NRP dựa trên một số tiêu chí như số ca nhiễm mới COVID-19 giảm mạnh, tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng cho người trưởng thành tăng nhanh.

Bắt đầu từ ngày 18/10, những du khách đã tiêm chủng đầy đủ đến Malaysia sẽ được rút ngắn thời gian cách ly. Thay vì 14 ngày như hiện nay, những người này chỉ phải cách ly 7 ngày tại nhà nếu có hoặc tại trung tâm cách ly. Nếu chưa hoàn thành tiêm chủng, người nhập cảnh sẽ cách ly 10 ngày tại trung tâm cách ly. Ngoài ra, Malaysia cũng cho phép các cuộc hội nghị, hội thảo, triển lãm được tổ chức trực tiếp nhưng với 50% công suất. Các khu vực nghỉ dưỡng và giải trí dọc theo tất cả các đường cao tốc trên toàn quốc sẽ được phép hoạt động 24/24 .

Indonesia sẽ tiếp tục duy trì lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới. Lệnh hạn chế được duy trì nhằm tiếp tục giảm thiểu số ca mắc COVID-19. Giới chức Indonesia cũng kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp chống dịch của Chính phủ, đồng thời hy vọng chính quyền các địa phương sẽ giám sát và kiểm soát các hoạt động đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh gia tăng.

Theo Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia, kinh nghiệm từ các đợt bùng phát dịch trước đây cho thấy, các ca mắc COVID-19 thường tăng sau khi nới lỏng những biện pháp hạn chế xã hội nhưng thiếu sự điều chỉnh theo từng khu vực.

Philippines ngày 16/10 bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội tại thủ đô Manila. Nước này cũng nới lỏng các quy định cách ly đối với du khách quốc tế đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới tại nước này giảm mạnh xuống dưới 9.000 trong những ngày qua, chạm mức thấp nhất trong hai tháng và tỷ lệ bao phủ vaccine tăng. Cho đến nay, gần 80% dân số trưởng thành ở thủ đô Manila đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Trên toàn Philippines, tỷ lệ này là 30%.

Hiện Philippines vẫn duy trì mức độ cảnh báo COVID-19 ở vùng thủ đô Manila ở cấp độ 3/5 và tiếp tục thận trọng theo dõi sát tình hình để có biện pháp phù hợp tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Philippines đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi có đủ điều kiện. Mục đích là nâng tỷ lệ tiêm chủng của cả nước cũng như chuẩn bị mở cửa lại trường học. 60 thanh thiếu niên đầu tiên tại Manila đã nhận được liều vaccine Pfizer. Dự kiến sẽ có nhiều vaccine hơn trong những tuần tới đây. Cuối tháng 9, Philippines đã phê chuẩn sử dụng vaccine của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên tại nước này.

Thái Lan đã đưa ra các biện pháp tạo điều kiện đón du khách nước ngoài trở lại nước này. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã đưa ra các biện pháp tạo điều kiện đón du khách nước ngoài trở lại nước này. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã đưa ra các biện pháp để chào đón du khách nước ngoài trở lại phù hợp với kế hoạch mở của trở lại của nước này. Người phát ngôn của chính quyền vùng đô thị Bangkok (MBA) Pongsakorn Kwanmuang cho biết, thủ đô Bangkok sẽ thành lập các điểm xét nghiệm (swab hub) dành cho du khách nước ngoài tương tự như Phuket khi Bangkok mở cửa cho khách quốc tế đã được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 11/2021.

Ngày 16/10, Thái Lan ghi nhận thêm 10.648 ca nhiễm mới cùng 82 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay ở nước này là trên 1,77 triệu ca, trong đó có 1.647.255 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và 18.205 người không qua khỏi.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa kéo dài thêm 15 ngày kể từ ngày 16/10, đồng thời tạo điều kiện cho người dân làm ăn và sinh sống trong điều kiện bình thường mới. Đây là lần thứ 12 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.

Quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nêu rõ, tuy Chính phủ Lào đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhưng dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng trong cộng đồng tại nhiều tỉnh và khó dự báo. Trong hai tuần qua, số ca cộng động đã tăng 98,5%. Chính vì vậy, Chính phủ Lào yêu cầu tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa đã ban hành.

Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 16/10, nước này ghi nhận 548 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 543 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Tỉnh Khammuan tiếp tục có số ca mắc trong cộng đồng cao nhất cả nước với 241 trường hợp. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 31.736 ca, trong đó có 38 người tử vong.

Với việc sửa đổi các quy định về cách ly và đi lại đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đủ liều nhập cảnh kể từ ngày 18/10/2021, Campuchia đang tiến sát đến mục tiêu mở trở lại toàn bộ nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Ngày 16/10, báo Khmer Times đưa tin, Ủy ban liên bộ về phòng chống dịch COVID-19 đã quyết định sửa đổi các điều kiện về đi lại và quy định về cách ly phòng dịch cho người đến hoặc trở về Campuchia theo hướng nới lỏng so với trước đây.

Hôm 8/10, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nhận định, Campuchia hoàn toàn có khả năng mở cửa trở lại tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nếu tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 sau lễ Pchum Ben tiếp tục ở mức ổn định trong vòng 10 ngày liên tiếp.

Campuchia tiến gần tới thời điểm mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế-xã hội trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này ở mức thấp ngày thứ 16 liên tiếp với khoảng 200 ca/ngày. Bộ Y tế Campuchia ngày 16/10 ra thông cáo cho biết, trong 24 giờ qua có 267 ca mắc mới và 24 người tử vong do COVID-19. Tính đến ngày 16/10, Campuchia ghi nhận tổng cộng 116.407 ca mắc COVID-19, trong đó 110.465 bệnh nhân đã khỏi bệnh và 2.634 người tử vong.

Trước những diễn biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại Campuchia, Ủy ban liên Bộ về Phòng chống dịch COVID-19 của nước này ngày 16/10 đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh vào Campuchia và quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/10 tới.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh