THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:24

Thế giới ghi nhận thêm 424.258 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/10 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 424.258 trường hợp mắc COVID-19 và 6.797 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 240.791.195 ca, trong đó có 4.903.930 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm.

Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Nga và Brazil số ca mắc mới vẫn cao. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 86.000 ca, trong khi số ca tử vong bất ngờ tăng lên trên 1.600 trường hợp.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 218 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 81.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15/10, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19”, trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 741.898 ca tử vong trong tổng số 45.639.563 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 451.906 ca tử vong trong số 34.041.091 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.201 ca tử vong trong số 21.612.237 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 606 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 338 người và CH Bắc Macedonia với 331 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,4 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 70 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 214.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.

VTV cũng đưa tin, trong 24 giờ qua, Lào đã ghi nhận 573 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 571 ca lây nhiễm cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, tình hình dịch COVID-19 tại nước này vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc tăng cao tại một số tỉnh, thành tiếp tục gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế quốc gia. Đáng chú ý, sau khi tỉnh Luang Prabang có số ca mắc tăng đột biến hôm 14/10 thì ngày 15/10, tỉnh Khammuan lại vượt thủ đô Vientiane về số ca lây nhiễm cộng đồng khi ghi nhận 161 ca. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 31.188 ca, trong đó có 36 người tử vong.

Campuchia tính miễn cách ly cho du khách đã tiêm vaccine đầy đủ vào tháng 11 - Ảnh: AKP

Campuchia tính miễn cách ly cho du khách đã tiêm vaccine đầy đủ vào tháng 11 - Ảnh: AKP

Cũng trong ngày 15/10, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ra quyết định tiếp tục kéo dài các biện pháp hành chính chống dịch COVID-19 thêm hai tuần, từ ngày 15 đến ngày 28/10, nhằm phòng chống dịch bệnh này lây lan, đặc biệt là do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Thông báo này đã dập tắt hy vọng của nhiều dịch vụ kinh doanh đang chuẩn bị mở cửa trở lại, đặc biệt là các dịch vụ giải trí như quán bar, cơ sở massage... cho dù Phnom Penh là thành phố có tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 cao nhất thế giới.

Chính phủ Philippines cùng ngày đã dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ đến từ Trung Quốc và hơn 40 nước, khu vực khác có số ca mắc COVID-19 ở mức thấp. Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 16 đến 31/10. Những người nước ngoài tiêm vaccine đầy đủ, sẽ cần có xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ trước khi khởi hành. Sau khi đến Philippines, du khách không cần phải ở lại trong cơ sở cách ly, nhưng được yêu cầu tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày.

Những người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ và các cá nhân không có giấy xác nhận tiêm vaccine được công nhận và những người đã tiêm vaccine nhưng không tuân thủ các quy định xét nghiệm trước khi đi, cần phải cách ly tại cơ sở được chỉ định cho đến khi cho kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính ở ngày thứ 5. Du khách nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào Philippines như một phần trong các biện pháp kiểm soát biên giới khi chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế phong tỏa hồi tháng 3/2020. Chỉ những du khách được cấp thị thực đặc biệt như các nhà ngoại giao mới được phép nhập cảnh.

Sân bay quốc tế Clark ở Philippines. Nguồn : CNNPhilippines

Sân bay quốc tế Clark ở Philippines. Nguồn : CNNPhilippines

Vùng đô thị Canberra của Australia ghi nhận hơn 99% cư dân trên 12 tuổi đã được tiêm mũi một vaccine phòng COVID-19, trong khi 76% người thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm đủ 2 mũi. Truyền thông Australia dự báo với tốc độ này thì vào cuối tháng 11, Canberra sẽ vượt Lisbon của Bồ Đào Nha và thủ đô của Singapore để trở thành thành phố có đông dân được tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 nhất trên thế giới.

Biển yêu cầu du khách phải trình thẻ xanh COVID-19 khi tiến vào đấu trường La Mã ở Rome, Italy, ngày 16/9/2021. Ảnh: Reuters

Biển yêu cầu du khách phải trình thẻ xanh COVID-19 khi tiến vào đấu trường La Mã ở Rome, Italy, ngày 16/9/2021. Ảnh: Reuters

Cũng trong ngày 15/10, Pháp đã dừng chương trình xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng. Hiện nay, tại Pháp, để có thể vào các nhà hàng, quán cafe, địa điểm thi đấu thể thao và các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, người dân phải có chứng nhận âm tính với COVID-19, chứng nhận mới hồi phục sau khi mắc bệnh hoặc chứng nhận đã được tiêm phòng đầy đủ. Khi việc tiêm phòng đã trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn cho tất cả mọi người, Chính phủ Pháp cho rằng không nên coi xét nghiệm là một biện pháp thay thế cho tiêm phòng.

Từ ngày 15/10, tất cả người lao động ở Italy sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 (thẻ xanh) khi đến nơi làm việc. Quy định thẻ xanh được Chính phủ Italy thông qua hồi tháng trước, theo đó tất cả người lao động phải có chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy tờ xác nhận đã tiêm phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc được điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được đến nơi làm việc. Những lao động không có thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc mà không được trả lương, hoặc đối mặt với mức phạt 1.500 euro (khoảng 1.700 USD) nếu phớt lờ quy định.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh