THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:29

Châu Á chiếm hơn một nửa số người đói toàn cầu

Trẻ em ở Myanmar nhận trợ giúp lương thực của tổ chức World Vision.

Trẻ em ở Myanmar nhận trợ giúp lương thực của tổ chức World Vision.

Thông tin từ baotintuc.vn cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), châu Á chiếm phần lớn số lượng người bị thiếu dinh dưỡng trên toàn thế giới hiện nay, với 418 triệu người thiếu ăn, tương đương hơn 50% của cả thế giới.

Báo cáo của FAO cho biết, phần lớn người thiếu lương thực sinh sống ở Nam Á, với 305,7 triệu người; khu vực Đông Nam Á có 48,8 triệu người và Tây Á có 42,3 triệu người.

Vào năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, châu Á được ước tính có 361,3 triệu người bị suy dinh dưỡng.

Phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ James Belgrave cho biết: "Sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng có nghĩa là các gia đình phải đối mặt với những quyết định thực sự khó khăn - họ có thể buộc phải bỏ bữa, ăn những thực phẩm ít dinh dưỡng hơn, ưu tiên thức ăn cho trẻ em hơn người lớn, hay rơi vào cảnh nợ tiền mua thực phẩm". "Trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng, còi cọc, quá lùn, những ảnh hưởng kéo dài suốt đời các em”, ông nói thêm.

Ông Belgrave cho biết hầu hết các quốc gia ở châu Á nơi WFP hoạt động đã chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng do ảnh hưởng của đại dịch tới nền kinh tế xã hội và các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ lụt.

 

Giáo sư kinh tế học ứng dụng Prabhu Pingali, Giám đốc Viện Tata-Cornell tại Đại học Cornell (Mỹ), lưu ý rằng sản xuất lương thực toàn cầu không bị ảnh hưởng bởi đại dịch và vì vậy nạn đói xảy ra là do người dân mất thu nhập.

"Không một quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nào bị sụt giảm sản lượng. Ấn Độ đã chứng kiến sản lượng ngũ cốc thu hoạch kỷ lục vào năm 2020 và 2021. Nguồn cung lương thực không phải là vấn đề ở hầu hết các nước châu Á. Vấn đề chính là khả năng tiếp cận lương thực do mất việc làm, chủ yếu ở những người lao động nhập cư với mức lương thấp, những người buộc phải trở về làng quê của họ”.

Tình hình ở một số quốc gia có vẻ ngày càng tuyệt vọng. Theo một cuộc khảo sát của Social Weather Stations, hơn 20 triệu người Philippines – chiếm 1/5 dân số - cho biết họ bị đói trong ba tháng đầu năm, gấp đôi so với trước đại dịch. Nhiều người nói rằng có những ngày họ không có gì để ăn, hoặc chỉ ăn một bữa trong ngày.

Tỷ lệ nghèo ở Malaysia cũng trở nên tồi tệ hơn đáng kể sau khi các đợt phong toả ảnh hưởng nặng nề đến nguồn thu nhập của nhiều lao động phi chính thức. Tháng trước, chính phủ tiết lộ rằng tỷ lệ nghèo tuyệt đối của Malaysia đã tăng lên 8,4% vào năm ngoái so với 5,6% của năm 2019. Con số này đồng nghĩa 580.000 hộ gia đình rơi vào nhóm thu nhập thấp hơn.

Nạn đói đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, quốc gia này đã trượt 7 bậc xuống xếp thứ 101/116 quốc gia trong Chỉ số Đói Toàn cầu năm 2021 được công bố trong tuần này. Ấn Độ được xếp vào mức độ nạn đói "nghiêm trọng" và đứng sau Nepal (thứ 76), Pakistan (92) và Bangladesh (76). Báo cáo cho biết 15,3% dân số Ấn Độ và 17,3% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. 

Thông tin từ tờ kinhtedothi.vn  cho hay, “thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu xóa bỏ nạn đói vào năm 2030”, là nhận định của Báo cáo Chỉ số nạn đói Toàn cầu Global Hunger Index (GHI), một công cụ được sử dụng để đo lường và theo dõi nạn đói trên toàn thế giới.

 Thế giới đối mặt với bước thụt lùi trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Getty Image.

Thế giới đối mặt với bước thụt lùi trong nỗ lực xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Getty Image.

Xếp hạng chỉ số GHI năm 2021 cho thấy 47 trong số 135 quốc gia được đánh giá là khó có khả năng đạt mức đói thấp vào năm 2030.

Các quốc gia có số điểm từ 50 trở lên trên thang điểm 100 được xếp vào mức độ đói cực kỳ báo động. Với số điểm 50.8 vào năm 2020, Somalia là quốc gia duy nhất hiện đang phải trải qua mức độ đói này.

5 quốc gia gồm: Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Tchad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Yemen được cho là đang trải qua mức đói đáng báo động.

Chỉ số GHI chỉ ra rằng xung đột là nhân tố chính gây ra nạn đói ở 80% các quốc gia có mức độ đói nghiêm trọng hoặc đáng báo động. Hơn một nửa dân số trong tình trạng suy dinh dưỡng thường sống ở các quốc gia có xảy ra xung đột và bạo lực.

Vào cuối năm 2020, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp, có tới 811 triệu người phải đối mặt với tình trạng đói kinh niên và 155 triệu người khác phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Các chuyên gia cảnh báo rằng con số này sẽ còn gia tăng nếu đại dịch không được chấm dứt.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh