THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:59

Đến năm 2020: Phấn đấu 90% hội viên Hội Nông dân có thẻ BHYT

Hơn 38 nghìn nông dân tham gia BHXH tự nguyện 

Theo báo cáo kết quả chương trình phối hợp giai đoạn 2012 - 2015 giữa BHXH Việt Nam và Hội Nông dân, ngay sau khi ký kết chương trình phối hợp giữa hai cơ quan, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông  tin đại chúng của Hội; tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, đối thoại chính sách BHXH, BHYT với nông dân; tuyên truyền trực tiếp đến từ hộ gia đình hội viên; tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội, các nhóm, câu lạc bộ nông dân; xây dựng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở; xây dựng và duy trì mô hình BHYT toàn dân và BHXH tự nguyện.

Trung ương Hội Nông dân  Việt Nam đã tổ chức 40 hội nghị đối thoại, phổ biến chính sách BHXH, BHYT với sự tham gia của gần 10.000 cán bộ và hội viên nông dân ở địa bàn 20 tỉnh, thành phố; tổ chức thí điểm 5 hội thi tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT với chủ đề "Nông dân với chính sách BHXH, BHYT"; phối hợp với BHXH Việt Nam biên soạn, in ấn và phát hành 26.500 tờ rơi, tờ gấp và tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT đến các cơ sở Hội; xây dựng được 369 mô hình vận động hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện, 1.435 mô hình vận động hội viên nông dân tham gia BHYT.

 

Ký kết Chương trình hợp tác giữa BHXH Việt Nam và Hội Nông dân giai đoạn 2016 - 2020.

Tính đến nay, sau 4 năm phối hợp, các cấp Hội đã vận động được 38.424 người tham gia BHXH tự nguyện, 1.899.966 người tham gia BHYT, thành lập được 1.518 đại lý thu BHXH, BHYT do Hội Nông dân đứng ra quản lý, góp phần tích cực vào việc thực hiện BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động. Ngoài ra, các tỉnh, thành Hội cũng đã tích cực tham gia vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp cho gần 2.000 hội viên nông dân thuộc diện gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên, Báo cáo cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ người nông dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT tuy có tăng lên so với giai đoạn trước đây vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, nhất là tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn ở mức rất thấp; sự phối hợp, triển khai chương trình ở địa phương, cơ sở tuy được tăng cường, song mức độ, quy mô và hình thức tuyên truyền còn hạn chế; nguồn kinh phí dành riêng cho phối hợp ở các cấp Hội còn hạn hẹp, chưa phát huy hết thế mạnh của các cấp Hội Nông dân ở cơ sở...

Cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, BHYT; phát huy khả năng và thế mạnh của 2 ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cho người dân ở khu vực nông thôn, Hội Nông dân và cơ quan BHXH Việt Nam đã thống nhất ký Chương trình phối hợp tuyên tuyền, vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, thống nhất mục tiêu đến năm 2020 có 90% hội viên Hội Nông dân tham gia BHYT, 10% lao động nông thôn tham gia BHXH tự nguyện.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch  Ban chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam đánh giá  cao sự phối hợp của các đơn vị đầu mối 2 cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, đồng thời nhấn mạnh: BHXH Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, năng động, sáng tạo tập trung cải cách hành chính,  đồng thời giải quyết chế độ về BHXH, BHYT rất nhanh và kịp thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, trong đó có nông dân tham gia các chính sách về bảo hiểm.

Ông Môn cho biết, nhiệm vụ trọng  tâm của Hội Nông dân trong thời gian tới là sẽ tiếp tục tuyên truyền để nông dân hiểu được tính ưu việt của các chính sách BHXH, BHYT để từ đó tham gia nhiều hơn. Đồng thời Hội cũng sẽ phối hợp với cơ quan BHXH đề xuất Đảng và Nhà nước quan tâm và có chính sách hỗ trợ nông dân nhiều hơn.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện nay mới chỉ có 23% lực lượng lao động tham gia BHXH, 76% dân số tham gia BHYT. Trong khi đó, những người chưa tham gia BHXH lại tập trung nhiều vào nông dân trong độ tuổi lao động và người dân chưa tham gia BHYT chủ yếu thuộc hộ gia đình nông nghiệp. Do vậy, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị đề ra là phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 80% dân số tham gia BHYT, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân trong việc tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia BHXH, BHYT.

Trên cơ sở Chương trình phối hợp được ký kết, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi của nhân dân và an sinh xã hội đất nước.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh