Bảo hiểm y tế: “Phao cứu sinh” cho người bệnh
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:11 - 22/05/2016
Bài 3: Đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân
Phải có đội ngũ cộng tác viên “đến từng ngõ, gõ từng nhà”
Tại hội thảo “Bảo hiểm y tế hộ gia đình và chính quyền cấp xã” triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi mới đây, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, những lần thực tế kiểm tra, giám sát chính sách BHYT tại nhiều xã cho thấy, việc triển khai phát hành thẻ BHYT tại địa phương còn nhiều vướng mắc, dù đã có hướng dẫn nhưng mỗi nơi triển khai một cách và chưa bám sát với nhu cầu thực tế của người dân. Nơi thì bán BHYT ở UBND xã, nơi thì do Hội nông dân, Hội Phụ nữ kiêm nhiệm, có nơi còn quy định rõ chỉ bán BHYT vào một số ngày trong tuần và vào giờ hành chính. Chưa kể, có nơi người dân sau 3 tháng đăng ký mua mới nhận được thẻ BHYT… “Luật BHYT đã nêu rõ, UBND cấp xã có trách nhiệm lập danh sách các hộ gia đình, xem ai chưa tham gia BHYT thì vận động tham gia. Việc lập danh sách là quan trọng, nhưng trên cơ sở đó, phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên tích cực “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động người dân tham gia BHYT. Cần làm sát sao và hiệu quả như công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trước đây, chứ chúng ta chỉ tổ chức ở đại lý bưu điện, đại lý ở UBND xã rồi đợi người dân tới mua thì rất khó”- ông Tiên nhấn mạnh.
Để có những thay đổi tích cực trong việc triển khai BHYT hộ gia đình trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng,
Tham gia BHYT, người dân có cơ hội được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao.
cần có chế tài quy định rõ trách nhiệm phát triển BHYT hộ gia đình. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam có thể đề nghị Chính phủ có quyết định biên chế cán bộ chuyên trách về BHYT ở cấp xã. Thí dụ như trạm y tế xã, phường có thể cử một cán bộ chuyên trách về việc này, đội ngũ cộng tác viên y tế tham gia phát triển đối tượng và được hưởng tỷ lệ % của thẻ BHYT. Trong công tác phát hành thẻ, cơ quan BHXH cũng cần thay đổi cơ chế cấp phát thẻ, có thể cấp phôi thẻ BHYT ngay khi người dân đóng tiền, như thế người dân sẽ yên tâm (nhưng giá trị sử dụng chậm lại theo đúng quy định hiện nay là sau 30 ngày)...
Sớm xây dựng Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả
Nhiều chuyên gia cho rằng, gói quyền lợi BHYT hiện nay có phạm vi rộng nhưng lại chưa bao quát hết mọi dịch vụ cần thiết cho người có BHYT. Vẫn có một số dịch vụ điều trị với chi phí thuốc men, vật phẩm y tế được cơ sở y tế tính thêm phụ phí cho người có BHYT.
Người nghèo gặp khó khăn về khả năng chi trả khi KCB. Do đó, cần xây dựng gói BHYT theo hướng những dịch vụ có chi phí cao đang được BHXH chi trả cần kiểm soát hợp lý hóa, chỉ những trường hợp nhất định phù hợp về mặt chuyên môn mới được BHYT thanh toán; loại bỏ những loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật không có tính hiệu quả; đưa thêm các dịch vụ tư vấn, sàng lọc; bảo đảm các dịch vụ thiết yếu nhưng phải phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Đặc biệt, gói dịch vụ y tế cơ bản phải bảo đảm các dịch vụ thiết yếu, những can thiệp kỹ thuật có thể cứu được mạng sống của người bệnh, hoặc ngăn chặn người bệnh tàn phế, nâng cao chất lượng sống của người bệnh.Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân đang là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là phải xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản cùng với các phương thức chi trả dịch vụ y tế phù hợp, đảm bảo kiểm soát được chi phí KCB, đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB và đáp ứng các ưu tiên về chính sách y tế. Xây dựng Gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ là nền tảng để đảm bảo tài chính bền vững, chất lượng dịch vụ y tế, ổn định nguồn tài chính và kiểm soát quỹ BHYT, đồng thời giảm chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi của bệnh nhân, góp phần thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
“Tuy nhiên, đây là nội dung phức tạp, phạm vi rộng và lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Do vậy, Bộ Y tế mong muốn có thể thống nhất khái niệm và phương pháp tiếp cận trong xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để Bộ Y tế tiếp tục khẩn trương xây dựng và hoàn thành xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản trước 1/1/2018 theo yêu cầu của Quốc hội”- ông Tuấn nhấn mạnh và cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với BHXH Việt Nam, Bộ Tài chính, các bên liên quan đã triển khai các hoạt động, bao gồm thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng lộ trình thực hiện, dự thảo thành lập hội đồng thường trực về Gói dịch vụ y tế cơ bản và hoàn thành điều tra thống kê BHYT tại 7 tỉnh thí điểm.
Cần có lộ trình phù hợp đối với diện tham gia BHYT hộ gia đìnhSau một năm thực hiện quy định hộ gia đình bắt buộc tham gia BHYT, số người tham gia BHYT hộ gia đình tăng khoảng 1,5 triệu người. Hiện vẫn còn khoảng 24 triệu người chưa tham gia BHYT. Tuy số người tham gia BHYT hộ gia đình có tăng nhưng vẫn là nhóm có đối tượng chưa tham gia BHYT nhiều nhất và gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình triển khai. Các chuyên gia BHYT cho rằng, hình thức tham gia BHYT hộ gia đình là con đường nhanh nhất tiến tới mục tiêu BHYT toàn dân. Do đó, nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành trong năm 2016 là sau khi đã có dữ liệu, danh sách đầy đủ, cần có kế hoạch công tác vận động người dân tham gia BHYT.
Bên cạnh việc tuyên truyền một cách sâu sát tới từng hộ gia đình, lộ trình tăng giá dịch vụ y tế cũng được kỳ vọng là giải pháp nâng cao tỷ lệ người tham gia BHYT hộ gia đình trong năm 2016 và các năm tiếp theo. Lộ trình tăng viện phí trong năm 2016 sẽ gây sức ép về tài chính cho người bệnh và gia đình, do đó, tham gia BHYT theo hộ gia đình là giải pháp hiệu quả để hạn chế gánh nặng tài chính. Thực tế, có không ít hộ gia đình không khó khăn về kinh tế nhưng vẫn chưa tham gia BHYT, do vậy theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, về tổng thể cần có lộ trình phù hợp đối với diện tham gia BHYT hộ gia đình. Việc giãn thời gian thực hiện BHYT bắt buộc là phù hợp, để tiếp tục tuyên truyền làm thay đổi nhận thức người dân, cũng như có giải pháp hỗ trợ những đối tượng khó khăn về kinh tế.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam):Thông tuyến khám chữa bệnh - Động lực để người dân tham gia BHYT Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, từ ngày 1/1/2016 người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến (thông tuyến). Đồng thời, cũng kể từ thời điểm này, người có thẻ BHYT KCB trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí KCB. Qua một thời gian thực hiện đã cho thấy quy định về thông tuyến đã có những tác động nhất định đến người có thẻ BHYT, cơ sở KCB và quỹ BHYT. Chẳng hạn như đối với người có BHYT được thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo đầy đủ quyền lợi BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc. Đặc biệt, đối với các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác, không phải thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu. Cùng với việc thông tuyến KCB ở bệnh viện tuyến huyện, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả bệnh viện tư nhân được xếp tương đương với tuyến huyện. Như vậy, quy định thông tuyến buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ y tế và như vậy cơ sở KCB đã tạo nên lợi ích kép từ việc này. Đối với chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có những tác động không mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. Đơn cử như hiện nay, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần tại các bệnh viện khác nhau dẫn đến khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Ngoài ra, khi được mở thông tuyến huyện, người tham gia BHYT sẽ không qua tuyến xã mà lên thẳng các bệnh viện huyện. Các trạm y tế xã sẽ không còn bệnh nhân đến KCB (trừ các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa). Như vậy, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tăng cường, phát triển KCB tại y tế cơ sở. Bên cạnh đó, sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung cấp quá mức các dịch vụ y tế để tăng thu phí KCB và thu hút người bệnh, bởi một số người bệnh vẫn lầm tưởng là được cung cấp nhiều dịch vụ kỹ thuật, nhiều thuốc trong mỗi lần đến KCB đồng nghĩa với chất lượng tốt. |