Đến năm 2020: Hàng Việt chiếm 80% thị phần
- Huyệt vị
- 22:25 - 21/05/2015
Nhu cầu mua sắm hàng nội tăng cao
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù kinh tế khó khăn khiến sức mua suy giảm, nhưng thị phần của nhiều doanh nghiệp (DN) tại thị trường nội địa lại có xu hướng tăng lên. Thời gian qua, nhiều tập đoàn, Tổng Cty đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối, nâng cao chất lượng… nhằm tiếp cận người tiêu dùng. Nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã có sức cạnh tranh tốt hơn với hàng ngoại.
Đặc biệt, các DN Việt rất chú trọng tới việc mở rộng thị trường nông thôn, nơi tập trung tới 70% dân số của cả nước. Điển hình như Tổng Cty Dệt may Việt Nam (Vinatex), đến nay, DN đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng tới các khu công nghiệp và vùng sâu, vùng xa. Tổng Cty Giấy Việt Nam cũng tham gia ký kết thỏa thuận đưa hàng Việt về nông thôn…
DN trong nước đã thay đổi quan điểm hàng tốt thì xuất khẩu, hàng bình thường, thậm chí là kém chất lượng thì bán trong nước. Thị trường nội địa đã được các DN chú trọng, từ đó có chiến lược bài bản về phân phối, tiếp thị, quảng cáo… và nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm.
Cửa hàng bán sản phẩm Made in Vietnam ngày càng nhiều.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: “Phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.
Phía DN đã nâng cao các thiết bị sản xuất công nghệ cao để đảm bảo hàng hóa mẫu mã đẹp, hiện đại, giá cả phải chăng, đảm bảo cạnh tranh tốt nhất sản phẩm các nước”.
Có thể nói, hàng Việt Nam xuất khẩu bán ra thị trường ngày càng nhiều và ngày càng được ưa chuộng. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu chất lượng tốt, giá cả lại rất phải chăng, các kênh mua bán cũng dễ. Chỉ cần ra ngõ là thấy nhan nhản các cửa hàng, các shop bán hàng Việt xuất khẩu, hoặc ngồi ở cơ quan hay ở nhà đều có thể mua đủ loại hàng Việt Nam qua mạng,…
Một trong những mặt hàng được chuộng là quần áo trẻ em. Tâm lý của cha mẹ là con em phải mặc hàng đảm bảo chất lượng, an toàn, không bị “khủng hoảng” tinh thần vì các thông tin quần áo, giày dép... bị tẩm chất hóa học bảo quản quá mức cho phép. Sự gắn mác hàng xuất xứ Việt Nam ngày càng chiếm lĩnh thị trường, cho thấy các thương hiệu của các DN trong nước đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng.
Nhiều hàng hóa thâm nhập ASEAN thành công
Tiến sâu vào vào các nước ASEAN là chiến lược phát triển, mở rộng thị trường của các DN nội, tuy số doanh nghiệp làm ăn bài bản chưa nhiều. ASEAN đến nay vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và EU. Con đường đưa hàng Việt ra nước ngoài còn nhiều khó khăn, thế nhưng các DN vẫn đã tung nhiều sản phẩm vào các nước ASEAN, nhất là thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, những cơ hội từ FTA đã được nhiều DN uy tín nắm bắt nhanh chóng.
Theo Bộ Công Thương, cam kết chất lượng chính là xây dựng thương hiệu bền vững cho tất cả các thị trường trong và ngoài nước. Đơn cử, Cty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP), đang xuất khẩu giấy tiêu dùng (tissue) sang Campuchia, Malaysia và Philippines với doanh số 4 tháng đầu năm 2015 tăng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, cũng như nhiều ngành hàng khác, giấy tissue cũng phải cạnh tranh gắt gao với các mặt hàng từ Trung Quốc.
Trong khu vực ASEAN, Campuchia là thị trường được nhiều DN Việt lựa chọn khi đưa hàng ra bên ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, hiện hàng Việt chủ yếu đi theo kênh phân phối truyền thống hoặc bán qua đại lý, chưa vào được siêu thị hay có cửa hàng riêng, dẫn đến độ “bám” thị trường ở các nước ASEAN chưa sâu. Chỉ có một số ít thương hiệu đầu tư hệ thống nhận diện thương hiệu, phân phối hay cung cấp dịch vụ sau bán hàng như bút bi Thiên Long, giày dép Bitis...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam và giá trị xuất khẩu sang khu vực này của hàng Việt đang giữ tốc độ tăng trưởng cao, và sự “xâm lấn” hàng Việt hứa hẹn những bước tiến khả quan hơn nữa trong thời gian tới.