Đến năm 2020 cần trên 8.000 nhân lực ngành cấp thoát nước
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:05 - 04/11/2017
Thực hành nghề lắp đặt đường ống nước
Lĩnh vực thoát và xử lý nước thải là một trong những lĩnh vực quan trọng được định hướng phát triển xanh của Việt Nam. Hiện nay, chỉ có khoảng 10% tổng lượng nước thải trên toàn quốc được xử lý. Để có thể thực hiện mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là tăng lượng nước thải được xử lý lên 60% đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nước thải.
Nhằm đảm bảo công tác giáo dục nghề nghiệp thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, việc hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp trong đào tạo nghề chính là yếu tố quyết định. Hội cấp thoát nước Việt Nam (CTNVN) là đại diện các doanh nghiệp trong ngành thoát và xử lý nước thải, đóng vai trò trung tâm trong công tác đào tạo nghề “Kỹ thuật viên thoát và xử lý nước thải”.
Ông Cao Lại Quang Chủ tịch Hội CTNVN cho biết: Trong thời gian qua Hội CTNVN đã phối hợp chặt chẽ với chương trình TVET thực hiện các chức năng: Kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nghề chính quy nhằm đáp ứng được nhu cầu dài hạn của doanh nghiệp; tuyển sinh, đào tạo thí điểm kỹ thuật viên ngành xử lý nước thải, các em học sinh sinh viên được đào tạo ngay tại các công ty thoát nước. Hội cũng phối hợp xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn dành cho kỹ thuật viên đang làm việc trong lĩnh vực nước thải để đáp ứng được nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp về nhân lực; Đại diện cho khối kinh tế trong công tác xây dựng, rà soát, cập nhật Bộ Tiêu chuẩn nghề bám sát thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp và Phát triển, đánh giá, công nhận các kỳ thi đánh giá kiến thức và kỹ năng nghề theo chuẩn năng lực quốc gia và quốc tế.
TS Horst Sommer - Giám đốc chương trình “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” cho biết: Từ năm 2013, chính phủ Đức đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ có tay nghề trong lĩnh vực cấp thoát nước. Để làm được việc này chương trình TVET đã hợp tác với trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP HCM và các doanh nghiệp ngành thoát nước và xử lý nước thải để đào tạo thí điểm. Các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào không chỉ xây dựng tiêu chuẩn nghề, quá trình đào tạo mà còn hướng tới doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình thi và cấp chứng chỉ cho kỹ thuật viên.
Tiếp nối thành công, Chương trình TVET sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn cho đội ngũ cán bộ đào tạo của Hội CTNVN để nâng cao chuyên môn, kỹ năng sư phạm cũng như phương pháp phát triển đề thi và cách chấm thi nghề. Cụ thể, ký kết hợp tác chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa Hội CTNVN và Chương trình hợp tác Việt – Đức “Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam”. Đồng thời ra mắt Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng ngành nước Việt Nam (VWTC).
Chủ tịch Hội CTNVN Cao Lại Quang cho rằng: “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 được dự đoán sẽ tạo ra những thách thức đáng kể cho thị trường lao động và công tác giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp buộc phải đáp ứng được tốc độ thay đổi công nghệ và yêu cầu liên tục thay đổi của doanh nghiệp. Trong thời gian qua, đóng góp hiệu quả của Hội CTNVN trong mô hình đào tạo hợp tác của Chương trình TVET đã chứng minh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu, khả thi và hiệu quả. Với việc ký kết hợp tác chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa Hội CTNVN và Chương trình TVET và sự ra đời của VWTC, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nước thải, ứng phó kịp thời với thách thức của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. sắp tới”.
Cũng theo TS Horst Sommer: “Đây là lần đầu tiên, chúng ta đã xây dựng tiêu chuẩn nghề có sự tham gia của doanh nghiệp, và chính họ là đại diện để công nhận trình độ, chất lượng, năng lực của các học sinh sinh viên. Như vậy, có thể khẳng định được chất lượng đào tạo đã sát với nhu cầu của doanh nghiệp, chính doanh nghiệp đã đứng ra để khẳng định chất lượng nhân lực...”