Đền Đồng Cổ - Ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh
- Văn hóa - Giải trí
- 05:20 - 13/04/2017
Hang núi tại đền Đồng Cổ - nơi làm xưởng sản xuất vũ khí thời kháng chiến
Theo truyền thuyết, thần Đồng Cổ hay còn gọi là thần trống đồng, là vị thần được thờ ở đền Đồng Cổ thuộc núi Đồng Cổ (còn gọi là núi Khả Phong), tỉnh Thanh Hóa, thuộc Bộ Cửu Chân. Thần đã xin theo giúp Vua Hùng đánh giặc ở Hồ Tôn. Khi thắng trận trở về, Vua Hùng vào đền làm lễ tạ ơn, cho đúc trống đồng và phong cho thần là “Đồng Cổ Đại Vương". Núi Đồng Cổ hiện nay đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là một cụm ba ngọn núi có tên là Tam Thai ở bên bờ phải sông Mã thuộc địa phận làng Đan Nê (Đan Nê trước kia còn có tên là Khả Lao), xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Đền được xây dựng từ thời Hùng Vương, bị thực dân Pháp phá hủy năm 1948. Đền Đồng Cổ suốt từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho tới năm 1994 được ghi vào danh sách các đền chùa được triều đình công nhận và hàng năm vua phái các quan khâm mạng (thường là quan đầu tỉnh) thay vua về đây tế thần. Trước đây trong đền có cỗ trống đồng lớn, nhưng đến thời Lê mạt bị mất. Sang thời Tây Sơn, khoảng năm 1796, trấn thủ Thanh Hóa là Nguyễn Quang Bàn, đã cúng vào đền một trống đồng mà ông tìm thấy ở một bờ sông, ông có làm một bài tán khắc trên biển gỗ sơn son thiếp vàng kể lại sự việc cung tiến trống đồng. Đền Đồng Cổ là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước ta. Trong đền còn rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại. Các vương triều Trần, Lê, Trịnh-Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại đền Đồng Cổ ở Yên Định (Thanh Hóa) và phường Bưởi (Hà Nội). Ngôi đền Đồng Cổ (được xây lại vào năm 1996, chỉ gồm một gian hai chái), lọt trong xanh tươi cây lá. Trước đền, hồ Bán Nguyệt như một tấm gương soi mây trời, lồng bóng núi.
Hồ bán nguyệt trước đền Đồng Cổ.
Thời kháng chiến chống Pháp, công binh xưởng Nguyễn Công Cậy sản xuất vũ khí ngay trong hang động Ích Minh trong lòng ngọn núi bên phải của đền. Gần đây, người ta còn tìm được trong hang nhiều vỏ bom hình dáng như chiếc vỏ chai và những vũ khí tự tạo trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi quân Pháp phát hiện ra vị trí công binh xưởng tại Ích Minh, chúng đã cho máy bay ném bom san phẳng cả đền Đồng Cổ. Những di tích nguyên gốc còn lại đến nay, ngoài hai tấm bia kể trên, chỉ còn chiếc miếu nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghinh môn nằm ở phía tây ngôi đền. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một nhà máy điện cũng sơ tán về đây, sản xuất điện phục vụ kháng chiến ngay trong lòng hang Nội ở ngọn núi bên trái ngôi đền.
Vách đá đề thơ ở đền Đồng Cổ.
Đền Đồng Cổ, huyện Yên Định là một trong những ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2001. Hàng năm, vào ngày 14, 15 tháng 3 âm lịch, xã Yên Thọ, huyện Yên Định tổ chức lễ hội Đền Đồng Cổ để tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc”. Đến với đền Đồng Cổ, du khách không chỉ được thưởng ngoạn không gian sơn thủy hữu tình với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại mà còn hiểu hơn khát vọng độc lập, hòa bình, tinh thần thượng võ và ý chí quật cường của cha ông ta trên hành trình dựng nước và giữ nước.