Đền-Đình Kim Liên: Dấu ấn văn hóa Hà Nội xưa
- Văn hóa - Giải trí
- 17:11 - 22/04/2016
“Tứ Trấn Thăng Long” – Đền Kim Liên
Đền Cao Sơn trở là một hiện tượng đặc biệt về Hà Nội xưa. Đền vừa đánh dấu mốc giới phía nam Kinh thành thời cổ, đồng thời tượng trưng cho sự canh giữ, bảo vệ cho Kinh thành. Cùng với thần Long Đỗ, ở đền Bạch Mã, thần Trấn Vũ, ở đền Quán Thánh, thần Linh Lang, ở đền Thủ Lệ họp thành “Thăng Long tứ trấn”.
Cổng chính của Đền- Đình Kim Liên.
Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ ở phía Nam, nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thuỷ Tinh mang lại bình yên cho nhân dân. Sau đó ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (vùng đất nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Để ghi nhớ công ơn ngài, sau khi ngài mất dân đã lập đền để thờ ngài. Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long (1010) nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.
Kể về sử tịch vùng đất, nơi đền Kim Liên ngự, ông Phan Huy Thảo, một trong những người trông coi đền và là nhà nghiên cứu lịch sử cho biết: “Đền Cao Sơn (Đền là nơi thờ thần) nằm ở làng Đồng Lầm. Xưa kia, dân làng sống thành từng xóm ven các gò đất cao với nghề làm ruộng, thả cá, thả rau muống bè và trồng màu (đồng ruộng của làng xưa nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên). Làng Kim Liên xưa còn nổi tiếng với nghề thả sen, ướp chè nhờ có đầm nước rộng. Những cô gái Kim Liên một thuở mang hoa sen, hạt sen, trà sen, chè sen, mứt sen đi bán khắp Kinh đô Thăng Long”.
Ông Huy Thảo cho biết thêm: “Sau Cao Sơn Đại Vương, là người đầu tiên có công khai phá, lập nghiệp tại quê hương Kim Liên còn có một nhân vật nữa là Kim Hoa Công Chúa, con vua Hùng Vương đời thứ 9 xin Vua cha về vùng đất này để dạy dân nghề nhuộm vải. Sau này Kinh Đô Thăng Long có nghề nhuộm vải, điều đặc biệt là chỉ nhuộm vải nâu (dân làng thường lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen, từ hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu), nên làng có tên là Đồng Lầm (làng đồng ruộng nhiều bùn). Đây cũng là nét đặc trưng của làng Kim Liên nay - Đồng Lầm xưa, bởi vải Đồng Lầm trước đây rất nổi tiếng”.
Hồ Bán nguyệt trước cổng Đền-Đình Kim Liên.
Ca dao cũ có câu:“Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng, có con sông dài”. Vải Đồng Lầm mỏng như voan, được nhuộm từ bùn của cánh đồng làng thành vải nâu non hay nâu sồng, đặc biệt là vải Rồng. Vải Rồng đẹp có tiếng gần xa, sau rồi người ta gọi là vải Đồng Lầm, “nghĩa là một vùng đầm nước rộng, nhiều bùn, từ loại bùn đặc biệt, riêng có của vùng đất này đã tạo nên một sản phẩm làm đẹp cho người”, ông Thảo cắt nghĩa.
Thời xa xưa Đồng Lầm là vùng có tên đẹp Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Đến khoảng đầu thời Vua Thiệu Trị vì kiêng tên húy của bà mẹ Vua tên là Hồ Thị Hoa, nên đổi là Đền Kim Liên, sau đó là tổng Kim Liên”.
Nhắc đến làng Kim Liên dân làng còn có câu ca: “Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng/ Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”. Theo các cụ trong làng truyền lại, nghề cắt tóc bắt đầu từ ngày hội làng, có thầy địa lý Tả Ao đến dự. Lý trưởng đã nhờ thầy “xem” cho làng làm thêm nghề. Ông Tả Ao thấy làng có một số người làm nghề cắt tóc liền khuyên mọi người nên phát huy nghề này. Từ đó, làng cắt tóc Kim Liên trở nên nổi tiếng. Các tay kéo, tay dao trai làng Kim Liên rất tài hoa và điêu nghệ, họ từng có tiếng là “Thăng Long đệ nhất kéo,” cắt tóc như múa trên đầu người.
Trước Cách mạnh Tháng Tám 1945, những tay kéo điệu nghệ của làng Kim Liên đi hành nghề khắp phố phường Hà Nội. Trong làng có "bác thợ" Phạm Duy Hào được mệnh danh "cây kéo vàng" với bảy phút hoàn thiện một kiểu tóc nam. Giờ đây, sau nhiều năm mai một, làng bắt đầu khôi phục lại nghề truyền thống của mình và đã có nhiều thanh niên "tầm sư học đạo," bởi thời trang tóc cũng đang ngày một lên ngôi.
Thần tích Cao Sơn lừng danh…Hễ cầu tất ứng
Là một nhà nghiên cứu lịch sử, nên ông Phan Huy Thảo hiểu rất rõ về lịch sử ngôi Đền nơi ông đang trông nom. Ông cho biết: “Thời triều Lê, lúc Lê Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung đạo càn rỡ mưu đồ lật đổ Vua Lê Tương Dực, tháng 11 năm kỷ Tỵ (1509) Đức Vua lánh nạn vào Tây Đô (Kinh đô thời nhà Hồ, nay thuộc tỉnh Thanh Hóa) dấy nghĩa binh, khôi phục cơ nghiệp của Vua Cao Tổ, cứu vớt ức triệu dân chúng. Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, có ba vị đại thần là Tước Uy Quốc Công Nguyễn Bá Lân, Tước An Hòa Hầu Nguyễn Hoàng Dụ và Tứ Vệ Quân Vụ Sự Nguyễn Văn Lữ cùng mang quân đi chinh phạt, cầm cờ tiết mao, vác bùa hoàng kim. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp, lại có ngôi đền cổ bên trong dựng một tảng đá ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương". Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Sau đó sự nghiệp của Vua Lê Tương Dực bắt đầu thành công. Vì thế, Vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn được lập ở Phụng Hóa để nhớ ơn thần đã ngầm giúp. Sau khi lên ngôi, Vua Lê Tương Dực cho lập lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long lúc bấy giờ, sai sử thần soạn văn bia lưu truyền mãi mãi để sớm hôm hương khói.Quá trình lịch sử hóa, Đền được làm trung tâm hoạt động những việc lớn của làng vì vậy đã mang chức năng của ngôi đình như hiện nay”.
Ban thờ Đức Thượng đẳng thần
Được hỏi về những chứng vật lịch sử mà ngôi đình ngày nay còn lưu giữ được Ông Thảo cho biết, “Chịu tác động của thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi Đền không còn nguyên dạng (toàn bộ Nhà Bái đường đã bị tàn phá), chỉ còn lại Nhà Hậu đường ba gian, tam quan, cổng gạch và hai giải vũ. Năm 2000, đền được tôn tạo, phục chế lại như ngày nay”, Ông Thảo say sưa kể và giải thích cho chúng tôi về “Đền-Đình Kim Liên” ngày nay. Di vật quan trọng nhất tại đình Kim Liên là tấm bia đá đồ sộ cao 2,43m, rộng 1,57m, dày 0,22m có bài tựa "Cao Sơn đại vương thần từ bi minh". Tấm bia ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ 3 (tức năm 1510) và được dựng ngày 1 tháng Trọng Thu năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (tức năm 1772). Bài minh bia đá ghi: “Cao Sơn lừng danh/ Vòi vòi oai linh/ Hễ cầu tất ứng/ Ban khắp ơn lành/ Gặp thời vận rùi/ Trời sinh Thánh minh”. Sau này người dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan, bổ sung một số kiến trúc mới tạo thành đình Kim Liên, trong đền và đình còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu...”
Bia đá trong hốc cây mang tên "Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh" ghi về thần tích và bài minh ca ngợi Thần do Sử thần Lê Tung soạn.
Không chỉ là nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, ông Phan Huy Thảo còn là một chuyên gia về Phong Thủy. Chỉ về ngôi đền, ông hỏi chúng tôi: “Các cậu có biết vì sao các ngôi đền lại thường được xây dựng trên những gò đất cao không?”. Nhưng không đợi chúng tôi trả lời, ông đã phân tích, “Người thường sẽ chỉ thấy Đền- Đình Kim Liên xây trên gò đất cao quay về hướng nam, nhưng những người biết về phong thủy sẽ thấy chính là nằm trên lưng của Thần Kim Quy”. Từ sân bước lên cửa Tam Quan phải qua chín bậc gạch, hai bên thềm là hai sấu đá niên đại thời Lê. Tam quan xây thành nhà hoàn chỉnh, kiểu tường hồi bít đốc. Bốn góc tường hồi có bốn cột trụ, bốn bộ vì đỡ mái làm theo kiểu chồng giường, giá chiêng, cột trốn. Các con rường chạm nổi hình mây cuốn, câu đầu và chạm lộng nhiều lớp hình tứ linh vô cùng đẹp với kỹ thuật tinh xảo. Hậu cung là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng: Thuỷ Tinh đệ Tam - Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương (công chúa con gái vua Lê) và Huệ Minh phu nhân. Đặc biệt trong hậu cung có bức trạm gỗ “Cửu Long Tranh Châu” lớn rất quý giá. Ngoài ra đền còn giữ được 39 đạo sắc phong về thần và các câu đối.
Đôi lan can vân mây và đôi rồng đá cách điệu phía trước cổng tam quan mang phong cách thời Lê.
Lộ bộ bát bửu (đồ thờ cúng làm theo kiểu dáng 8 loại vũ khí cơ bản)
Cửa võng cuốn thư sơn son thếp vàng.
Theo tâm linh, các cụ trong làng cho hay, nhờ ơn thần mà người dân trong làng Kim Liên đỗ đạt những vị trí cao, làm ăn phát triển, có cuộc sông ấm no, hạnh phúc. Nơi sinh ra nhiều nhà văn hóa và nhà cách mạng nổi tiếng như ông Trần Vĩ (sinh năm 1564) đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định, đời Vua Lê Kính Tông (năm 1604), làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Hương Quận công, được cử đi sứ sang nhà Minh.
Thời Lê-Trịnh, làng Kim Liên cùng với làng Trung Tự được hưởng “tạo lệ” chuyên trách việc thờ cúng ông Nguyễn Hy Quang (1634-1692), đỗ Tam trường thi Hội khoa Sĩ Vọng, làm quan Thị lang, dạy các thế tử họ Trịnh, được ban tước Hiển Quận Công, sau khi mất được phong Phúc thần.
Đời sau có nhà văn hóa Nguyễn Hữu Kha; nhà giáo, đại vương Nguyễn Duy Quang dạy học vua; tiến sĩ quốc sư Nguyễn Hữu Dụng; Nhà cách mạng Đào Gia Lựu, Mai Lập Đôn, cụ Tuất, cụ Phó Nhường (anh Hai đầm sen).
Trong kháng chiến, làng Kim Liên là cơ sở cách mạng của nhiều lãnh đạo của Đảng ta, như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Trân, Trần Sâm, Trần Vỹ, Tiến Đức và còn là A.T.K (an toàn khu) của Mặt trận quân sự Hà Nội thời tạm chiếm (1947-1954).
Đền được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990. Hàng năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần.