CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:35

Đến 2020: Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,5 lần

 

Theo Báo cáo đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng thế giới (WB), hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Nghèo đói ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 60% hồi đầu những năm 1990 xuống còn 20,7%; tỷ lệ nhập học tiểu học và trung học cơ sở là hơn 90% và 70%.

Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8- 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm. Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù tiếp tục được triển khai. Năm 2014, ngân sách đã chi khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng để mua cấp thẻ BHYT cho các đối tượng, trong đó gần 10 triệu người nghèo và cận nghèo được hỗ trợ thẻ BHYT; gần 2 triệu lượt học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí, hỗ trợ học bán trú, hỗ trợ chi phí học tập với số tiền hơn 7 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng chính sách xã hội đã cho hơn 400 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn sản xuất, xuất khẩu lao động, hơn 60 nghìn học sinh nghèo được vay vốn học tập...

Về nguồn lực cho giảm nghèo, Nhà nước ưu tiên tập trung cao nhất từ ngân sách cho các huyện nghèo, xã nghèo và người nghèo nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương bố trí hơn 6 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh ở tất cả các địa phương. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo là 5,97%, cuối năm 2015 còn dưới 5%. Đối với các xã nghèo thuộc diện 30a, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 28%.

Như vậy, sau 5 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia, Việt Nam đã đạt được mục tiêu đề ra và được thế giới đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề xóa đói giảm nghèo cần phải giải quyết. Nếu tiếp cận theo tiêu chí nghèo đa chiều thì tỉ lệ hộ nghèo còn 9,88%, cận nghèo còn 5,22%, 64 huyện nghèo còn số hộ nghèo trên 50%, có những huyện hộ nghèo chiếm tỉ lệ trên 70%. Như vậy hộ nghèo đa chiều chiếm khoảng gần 10% số hộ dân toàn quốc. Đó là một thách thức rất lớn cho xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Chương trình giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo cả nước cho giai đoạn này bình quân 1%- 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Trong giai đoạn này, tình trạng gia tăng bất bình đẳng tại Việt Nam đang đe dọa thành tựu phát triển của đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Sự gia tăng bất bình đẳng nếu nhìn theo nhiều chiều sẽ tác động lớn đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Cụ thể, bất bình đẳng về kinh tế; bất bình đẳng về tiếng nói, về cơ hội; bất bình đẳng về vùng, miền; bất bình đẳng về giáo dục, y tế; bất bình đẳng về giới… đều có tác động làm tăng thêm khoảng cách giàu-nghèo. 

Đó cũng là cách nhìn theo hướng tiếp cận nghèo đa chiều mà nước ta sẽ áp dụng trong giai đoạn này. Nhiều giải pháp đã đưa ra yêu cầu cao hơn về nâng cao dân trí, đời sống nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, miền núi. Trong bộ tiêu chuẩn đã xây dựng các tiêu chí để người nghèo tiếp cận được với những dịch vụ cơ bản mà người nghèo còn thiếu hụt như: y tế, văn hóa, giáo dục, nước sạch, thông tin… 

Để có thể thu hẹp khoảng cách với góc độ đa chiều như trên, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tích cực hướng tới người dân như các chính sách an sinh xã hội, y tế, cải cách hành chính, chính sách thuế, hỗ trợ nhà xã hội, giám sát của MTTQVN... để giảm sự bất bình đẳng theo các chiều. 

Trước mắt, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020 với 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41 nghìn tỷ đồng dành cho vùng “lõi” nghèo với mục tiêu kiên quyết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang được triển khai, hứa hẹn những hiệu quả tích cực về phong trào xóa đói giảm nghèo như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định rõ: “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững”...

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh