CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:09

Hỗ trợ sinh kế và các mô hình xóa đói giảm nghèo bền vững

 

Đầu tư mua sắm ngư cụ, ngư dân Quảng Điền trúng mùa cá cơm

 

Quảng Điền là một huyện vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm ở phía Bắc lưu vực sông Bồ và phía Tây phá Tam Giang. Trên địa bàn huyện hiện nay có 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Theo bà Phan Thị Hóa, Trưởng phòng Phòng LĐ – TB&XH huyện Quảng Điền, trong 9 tháng đầu năm 2017, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ bình quân 1,063 tỷ đồng/ xã trên địa bàn huyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. “Nhờ có chương trình này nên nhìn chung các xã hưởng lợi ngày một khởi sắc hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ tiếp cận các dịch vụ xã hội, như: y tế, giáo dục, giao thông nông thôn,…Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện”, bà Hóa cho hay.

Huyện Quảng Điền đã triển khai thực hiện tiểu dự án 3 trong Chương trình 30a về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Tổng số đã có 24 mô hình phù hộ với điều kiện địa phương được lựa chọn, trong đó có 20 mô hình đã gửi hồ sơ thẩm định. Các mô hình được lựa chọn triển khai tiêu biểu, như: mô hình nuôi bò nhốt chuồng và trồng cỏ; mô hình nuôi lợn nái F1 ở xã Quảng Thành; mô hình cải tạo đất để trồng rau màu ở xã Quảng Lợi; mô hình trồng nấm; hỗ trợ ngư lưới cụ để chuyển đổi khai thác từ tầng đáy sang tầng nổi ở xã Quảng Công; mô hình nuôi cá chình trong bể, nuôi cua đồng, ươm cá giống nước ngọt; hỗ trợ khôi phục, sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng theo quy hoạch và bền vững... Tổng số kinh phí hỗ trợ là 2,4 tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, Quảng Điền cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm và hỗ trợ người lao động thuộc các hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Người lao động tại Quảng Điền sẽ được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động; được tư vấn trực tiếp miễn phí. Theo kế hoạch, Quảng Điền sẽ phấn đấu đưa được từ 100 – 150 lao động thuộc diện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển đi xuất khẩu lao động.

 Không chỉ thế, các ngư dân ở Quảng Điền sau khi được nhận tiền đền bù, hỗ trợ sau sự cố môi trường biển cũng đã chủ động trích một phần số tiền được nhận đầu tư mua đóng mới tàu thuyền, đò máy để đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang và trên các vùng biển với các nghề chài lưới, lừ, câu. Một ngư dân vừa hành nghề đánh bắt vừa nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang (ở xã Quảng Lợi) cho biết, sau khi nhận được hơn 12 triệu đồng tiền bồi thương, gia đình ông đã đầu tư xây dựng thêm 1 lồng nuôi cá trên đầm phá và mua giống thả nuôi vụ mới. Ngoài nuôi cá, gia đình ông còn trích số tiền bồi thường xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn thịt và 1 con lợn nái để nâng cao thu nhập.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết, sau sự cố môi trường biển, toàn xã có 770 đối tượng bị ảnh hưởng và đều được đưa vào diện bồi thường thiệt hại. ‘Song song với quá trình chi trả tiền bồi thường, chúng tôi kết hợp tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn tiền hỗ trợ một cách có hiệu quả. Nhờ đó mà đến nay khi việc chi trả của xã đã hoàn tất thì hầu hết các hộ dân đều tái đầu tư vào mua sắm ngư cụ đánh bắt thủy sản trên phá hoặc chuyển đổi ngành nghề, qua đó góp phần ổn định cuộc sống”, ông Bảo cho biết.

Ngoài ra, theo thống kê trong 9 tháng đầu năm 2017, huyện Quảng Điền đã đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 217 lao động. Các ngành nghề chủ yếu là may công nghiệp, chế biến món ăn, kỹ thuật hàn, kỹ thuật nuôi cá lồng,…

Với các việc làm thiết thực và cụ thể, Quảng Điền phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,23% năm 2016 xuống còn khoảng 11,23% vào cuối năm 2017.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh