THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:47

Đề xuất ưu đãi thuế mức cao nhất cho báo chí

Thảo luận tại hội trường QH về dự thảo luật Báo chí sáng nay, ông Thuận Hữu chỉ ra theo dự thảo luật, Hội Nhà báo VN được giao khá nhiều nhiệm vụ nhưng những cơ chế để hoàn thành nhiệm vụ thì không có.

Như vai trò đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích của nhà báo nhưng không rõ bảo vệ bằng cách nào.

"Nên có quy định các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời yêu cầu của Hội Nhà báo", ông Thuận Hữu nói.

Ông cũng cho rằng, nhiệm vụ giám sát việc tuân theo pháp luật của báo chí nói vậy nhưng không làm được do Hội Nhà báo không được tham gia thẩm định nhân sự lãnh đạo các cơ quan báo chí, không được thẩm định các tác phẩm báo chí khi có yêu cầu của hội viên, các cấp hội.

"Khi có các tác phẩm báo chí vi phạm, các cơ quan khác vào cuộc kết luận, trong khi Hội Nhà báo đứng ngoài cuộc. Tổ chức Giải báo chí quốc gia hàng năm cũng chỉ là thẩm định những tác phẩm tốt", ông nói.

 

Ảnh: Hoàng Long

Ở vị trí là Tổng biên tập báo Nhân dân, ông Thuận Hữu băn khoăn về các chức danh tổng giám đốc (TGĐ), tổng biên tập (TBT) các cơ quan báo chí.

"Việc này là bình thường ở các nước có báo chí tư nhân, cần có người đứng ra quản lý tài sản của cơ quan báo chí. Nhưng ở ta, báo chí đều có cơ quan chủ quản, thì có TGĐ, Phó TGĐ rồi dưới đó là TBT, Phó TBT là rất rắc rối. Những cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm thì còn được chứ cơ quan chỉ có một ấn phẩm thì đâu cần?", ông Thuận Hữu lo ngại sẽ "hình thành một đội ngũ chắc là không làm gì".

Chủ tịch Hội Nhà báo VN cũng không đồng tình quy định TBT, Phó TBT báo, tạp chí chuyên ngành nếu chưa có thẻ nhà báo thì phải là thạc sĩ chuyên ngành trở lên.

"Thạc sĩ thì liên quan gì đến nhà báo, liên quan gì đến TBT, Phó TBT. Sao không quy định là tiến sĩ luôn?", ông hỏi.

Thẻ cho phóng viên

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị ưu đãi mức cao nhất về thuế đối với các cơ quan báo chí. 

 

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang

Hiện nguồn thu từ phát hành của báo in và quảng cáo của báo điện tử đều không khả quan. Bà cho rằng, cần đánh giá toàn diện về cơ chế tài chính của các cơ quan báo chí, có chính sách hỗ trợ rõ ràng, nhằm giúp họ tiến tới tự chủ về tài chính.

Bà Trang cũng cho rằng dự thảo luật mới đề cập đến nhà báo, tức là những người đã có thẻ nhà báo sau 3 năm tác nghiệp, mà bỏ quên các phóng viên, những người làm báo chưa có thẻ.

"Thời gian qua, có những phóng viên bị từ chối cung cấp thông tin, bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Để khắc phục, các cơ quan báo chí phải cấp giấy chứng nhận tạm thời cho họ đi tác nghiệp, thậm chí tự ý cấp thẻ phóng viên, dẫn đến khó quản lý. 

Trong khi về tác nghiệp, quan hệ với các cơ quan, tổ chức, thì giữa phóng viên và nhà báo là không khác gì nhau", bà Thùy Trang yêu cầu luật hóa để đảm bảo quyền lợi của phóng viên.

Về quy định giữ nguồn tin, ĐB TP.HCM cũng nhấn mạnh quan điểm: Chỉ quy định cơ quan báo chí và nhà báo phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu của Viện trưởng VKSND, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh trở lên, trong trường hợp cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Để không gian cho báo chí sáng tạo

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh kiến nghị nhìn nhận khách quan xu thế thị trường báo chí thế giới để có biện pháp tạo điều kiện cho báo chí trong nước phát triển theo xu hướng chung, trong đó nổi lên là báo hình và báo điện tử.

 

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng Trần Ngọc Vinh

Ông cho rằng, dự thảo luật cần thiết kế các quy định đảo bảo sự phát triển đồng đều trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả của các loại hình.

Thay đổi phương pháp, cách thức quản lý báo chí, từ quản lý hình thức sang quản lý nội dung.

"Nên cấp phép một lần rồi để họ tự do sáng tạo, phát triển phù hợp với chiến lược và năng lực của họ. Chỉ nên tập trung quản lý bộ máy lãnh đạo, lập trường tư tưởng và nội dung thông tin đăng tải...", ông Vinh nói.

Phó đoàn ĐBQH Hải Phòng cũng nhấn mạnh quyền tác giả trong báo chí, cho đây là vấn đề quan trọng, có tác dụng động viên người làm báo cống hiến.

Ông cho rằng, trực trạng hiện nay bảo vệ tác quyền chưa nghiêm, chưa triệt để, mất quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Dẫn đến báo chí mất người đọc, mất tăng thu quảng cáo. Dự thảo chưa quy định đầy đủ, cụ thể.

"Cần quy định chặt chẽ hơn, nhất là với báo điện tử", ông kiến nghị.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh