THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:38

Cụ thể hoá trách nhiệm trong hoạt động báo chí

Theo đó, Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội lần này có bố cục gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động báo chí; quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí.

Theo Bộ trưởng Son, điểm mới của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) so với Luật Báo chí hiện hành là đã cụ thể hóa được Chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí...

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại sự kiện mừng Ngày lễ Quốc khánh 2/9 tại Hà Nội. Ảnh: MD

Tán thành với tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, cho rằng: Dự thảo Luật Báo chí đã kế thừa những nội dung cơ bản của Luật hiện hành, tiếp cận xu hướng phát triển của báo chí... Tuy nhiên, theo ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, dự thảo Luật vẫn còn một số bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh. Cụ thể, về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, dự thảo Luật không chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí là công dân. “Ban soạn thảo căn cứ vào Hiến pháp để làm rõ hai vấn đề: Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì?”, ông Thi đề nghị.

Về lãnh đạo cơ quan báo chí, các Điều 16, 27, 30, 31, 33 của dự thảo Luật quy định, người đứng đầu cơ quan chủ quản, người được cử trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm của cơ quan báo chí; tổng biên tập, phó tổng biên tập và nhà báo đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí.

“Quy định như trên chưa làm rõ trách nhiệm của từng chức danh về hoạt động báo chí nói chung và về nội dung thông tin báo chí nói riêng của cơ quan báo chí, rất khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra sai phạm”, ông Thi phân tích, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động cũng như nội dung thông tin báo chí.

HÀ HUY LINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh