Đề xuất tổ chức và hoạt động của đại học vùng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:55 - 22/02/2020
Dự thảo nêu rõ, đại học vùng là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc đại học vùng cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung của đại học vùng. Đại học vùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Cơ cấu tổ chức của đại học vùng thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Giáo dục đại học), bao gồm:1. Hội đồng đại học vùng; 2. Giám đốc đại học vùng; phó giám đốc đại học vùng; 3. Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); 4. Văn phòng và các ban chức năng; 5. Các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên; 6. Trường thuộc đại học vùng; tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; 7. Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác theo nhu cầu phát triển của đại học vùng.
Giám đốc đại học vùng quyết định cho phép mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ đối với các đơn vị thành viên theo phương hướng hoạt động của hội đồng đại học, phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc mở ngành đào tạo theo quy định.
Theo dự thảo, đại học vùng tự chủ về phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của đại học vùng, đồng thời là đầu mối về tuyển sinh của toàn đại học vùng.
Đại học vùng được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thiết kế, in và cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ; quản lý, cấp, phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.