Đề xuất thu hẹp xử lý hình sự
- Dược liệu
- 17:31 - 25/04/2015
.
Hai phương án trong bản dự thảo
Liên quan đến chính sách hình sự người chưa thành niên phạm tội được quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, bộ luật hiện hành quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo quy định này thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự khá rộng. Hơn nữa thực tế cho thấy số trường hợp trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác trẻ em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa…
Bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ bản chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện. Ví dụ như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình...
Các em vi phạm pháp luật cần được giáo dục thay vì xử lý hình sự.
Do đó, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Điều này đòi hỏi trách nhiệm hình sự của các em cần giới hạn trong phạm vi các tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một số nhóm tội phạm cụ thể.
“Tuy nhiên với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Tư pháp vẫn nhìn nhận đây là vấn đề hết sức phức tạp. Trong dự thảo bộ luật đang lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành liên quan và nhân dân cả nước, cơ quan soạn thảo đã đưa ra 2 phương án để có sự so sánh, lựa chọn.
Phương án thứ nhất quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng. Phương án hai vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành”, ông Trần Tiến Dũng cho biết.
Nên giáo dục cho người chưa thành niên phạm luật
Ông Trần Công Bình, đại diện UNICEF cho rằng: Người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật cần được xử lý khác so với người đã trưởng thành. Người chưa thành niên có biến động lớn về hormone và tình cảm. Điều đó khiến họ xử sự bốc đồng. Họ cố gắng tỏ ra người lớn, chứng tỏ sự độc lập, dễ chấp nhận rủi ro và dễ bị bạn bè gây áp lực.
Những người trẻ này đang trong quá trình hình thành nhân cách, khả năng phục hồi nhân cách cao hơn so với người trưởng thành. Thay vì đơn thuần trừng trị, các biện pháp giáo dục, phục hồi sẽ có khả năng phòng ngừa tái phạm cao hơn.
Một vấn đề khác liên quan đến trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật đó là tư pháp thân thiện với trẻ em. Điều này không chỉ tác động đến các vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến các em khác tham gia vào quá trình tự pháp như: Trẻ em là nạn nhan, nhân chứng, người có liên quan.
Theo bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Dự kiến trong năm 2015 Tòa án này sẽ được thành lập Tòa án gia đình và người chưa thành niên. Hiện đề án này đã được xây dựng và triển khai lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan.
Khi đó toàn bộ những vấn đề liên quan đến gia đình, trẻ em như việc ly hôn liên quan đến trẻ em, hay những vấn đề vi phạm quyền trẻ em mà người lớn vi phạm… đều được xét xử ở đây. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em sửa đổi lần thứ 2 dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10, diễn ra vào cuối năm 2015.
Trong số nhiều nội dung có một nội dung Ban soạn thảo đề xuất là nâng độ tuổi của trẻ em từ dưới 16 như hiện nay lên mức dưới 18 tuổi. Đặc biệt, bản dự thảo còn có hẳn 1 chương về Tư pháp cho trẻ em. Tất cả những điểm mới này góp phần xây dựng tư pháp thân thiện với trẻ em. Tạo điều kiện giúp các em có cơ hội được giáo dục, nhận ra lỗi lầm để phục hồi nhận cách, có cơ hội trở thành người tốt.
Một thành viên ban soạn thảo Luật Hình sự sửa đổi cho biết, sẽ lắng nghe ý kiến nhiều chiều về quy định này để hạn chế được những bất cập trong quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự những năm qua. Đồng thời quy định mới cần phải mang được hơi thở cuộc sống, giúp việc giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm của bản thân tốt hơn.