Đề xuất quy định về cho thuê lại lao động
- Bài thuốc hay
- 12:53 - 05/05/2020
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, cho thuê lại lao động là nội dung mới được quy định lần đầu tiên trong Bộ luật Lao động năm 2012 và triển khai Bộ luật Lao động, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định (Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013; Nghị định số 73/2014/NĐ-CP ngày 23/7/2014 và Nghị định số 29/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019) quy định chi tiết về việc cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy các quy định về cho thuê lại lao động trong Bộ luật Lao động và các Nghị định của Chính phủ đã đáp ứng được các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp; nội dung các quy định cơ bản phù hợp, tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tạo nhiều cơ hội việc làm mới cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển cung cầu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp của người lao động; các quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại; thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước với các quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, ký quỹ và quản lý ký quỹ; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện cho thuê lại lao động; một số nội dung quy định về cho thuê lại trong Nghị định của Chính phủ đã được quy định vào Bộ luật Lao động 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định hiện nay còn có vướng mắc, gây khó khăn cho quá trình thực hiện như: chưa quy định trình tự, thủ tục cấp giấy phép đối với doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ tỉnh, thành phố này sang tỉnh, thành phố khác; chưa quy định về trách nhiệm của các ngân hàng thương mại khi vi phạm quy định về việc ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động; trách nhiệm phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động giữa ngân hàng nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước về lao động; chưa quy định về việc doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động.
Ngày 20/11/2019, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 và có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2021, trong đó tại Khoản 2 Điều 54 Bộ luật Lao động giao Chính phủ quy định việc ký quỹ, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động.
Từ thực tế trên, cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về việc ký quỹ, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và danh mục công việc được thực hiện cho thuê lại lao động, bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định trong Bộ luật Lao động 2019, khắc phục những bất hợp lý đang đặt ra.