THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:22

Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ 3 tỉ đồng

Ảnh minh họa

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 55/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp (DN) được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động khi có đủ các điều kiện sau đây: Đã thực hiện ký quỹ 2 tỉ đồng; bảo đảm vốn pháp định theo quy định; Có trụ sở theo quy định; Người đứng đầu DN bảo đảm điều kiện theo quy định.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định về mức ký quỹ 2 tỉ đồng không đủ để thực hiện nghĩa vụ của DN trong thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho người lao động (NLĐ) thuê lại trong trường hợp DN cho thuê vi phạm hợp đồng lao động với NLĐ thuê lại hoặc gây thiệt hại do không bảo đảm về quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ thuê lại.

Tại dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm điều kiện của DN khi đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động từ 4 điều kiện còn 2 điều kiện. Theo đó, DN phải thực hiện ký quỹ 3 tỉ đồng. Người đứng đầu DN phải hội đủ điều kiện sau đây: là người đại diện theo pháp luật ghi trong giấy đăng ký kinh doanh của DN; lý lịch rõ ràng, không có án tích, trong 3 năm liền kề không là người đứng đầu DN bị thu hồi; không có hành vi giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép; có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại từ 3 năm trở lên.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định này đảm bảo để thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho NLĐ thuê lại; đồng thời, đảm bảo người đứng đầu DN phải có các điều kiện, năng lực thực hiện công việc cho thuê lại lao động; không làm tăng phí tuân thủ thủ tục hành chính từ ngân sách nhà nước, cơ quan nhà nước liên quan và từ DN.

 

Điều 54 Bộ Luật Lao động 2012 có quy định cụ thể về hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

1. Cho thuê lại lao động là việc NLĐ đã được tuyển dụng bởi DN được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với DN cho thuê lại lao động.

2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định.

17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động gồm: 1- Phiên dịch/ Biên dịch/Tốc ký; 2- Thư ký/Trợ lý hành chính; 3- Lễ tân; 4- Hướng dẫn du lịch; 5- Hỗ trợ bán hàng; 6- Hỗ trợ dự án; 7- Lập trình hệ thống máy sản xuất; 8- Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; 9- Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; 10- Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; 11- Biên tập tài liệu; 12- Vệ sĩ/Bảo vệ; 13- Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; 14- Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; 15- Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; 16- Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; 17- Lái xe.

Việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định; thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc; có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng.

Khi hết thời hạn nêu trên, DN cho thuê không được tiếp tục cho thuê lại người lao động với bên thuê lại mà NLĐ thuê lại vừa hết thời hạn cho thuê lại.

4 trường hợp không được cho thuê lại lao động

1- DN đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc để thay thế NLĐ đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động.

2- DN cho thuê không thoả thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của NLĐ thuê lại với bên thuê lại lao động.

3- Thay thế NLĐ bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách DN hoặc vì lý do kinh tế.

4- Cho thuê lao động để làm các công việc ở những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, trừ trường hợp NLĐ đó đã sinh sống tại khu vực trên từ đủ 3 năm trở lên; công việc cho thuê lại lao động nằm trong Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành.

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh