Đề xuất mới về chế độ cử tuyển đối với HSSV dân tộc thiểu số
- Giáo dục nghề nghiệp
- 05:16 - 14/03/2020
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong giai đoạn hiện nay, chính sách đào tạo cử tuyển đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập giữa đào tạo với nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến sinh viên cử tuyển đào tạo ra nhiều nhưng không bố trí được việc làm.
Bất cập trong quy hoạch và cơ cấu cán bộ theo dân tộc và ngành nghề đào tạo, dẫn đến sinh viên cử tuyển dôi dư lớn nhưng cán bộ của các dân tộc có nguồn nhân lực thấp (gồm 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, Xtiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng) vẫn thiếu.
Nhiều ngành nghề rất cần thiết nhân lực tại chỗ để đảm bảo đời sống dân sinh và phát triển cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo lại không có cán bộ; chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.
Trước thực trạng trên, Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 năm 2019 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1/7/2020) đã có một số nội dung thay đổi về công tác cử tuyển tại Điều 87.
Để hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển và việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019 ngày 14 tháng 6 năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy cần thiết đề nghị Chính phủ xem xét ban hành Nghị định “Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số”.
Mục đích của việc xây dựng Nghị định nhằm hướng dẫn triển khai thực hiện chế độ cử tuyển: Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, tuyển chọn, tổ chức và kinh phí đào tạo cử tuyển; việc xét tuyển và bố trí việc làm; việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo và tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019 ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Tuyển dụng thông qua xét tuyển người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp
Dự thảo nêu rõ, đối tượng cử tuyển: Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số rất ít người; công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số có đủ các điều kiện sau: Có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, có thời gian học đủ 3 năm học và thi tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú được cử tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp.
Người học theo chế độ cử tuyển có quyền: Được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Người học theo chế độ cử tuyển có nghĩa vụ: cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành cam kết với cơ quan cử đi học về bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu không chấp hành việc bố trí việc làm theo cam kết.
Khi học chính thức trong các cơ sở giáo dục, người học theo chế độ cử tuyển được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy và bố trí học chung với các người học khác của cơ sở giáo dục theo ngành đào tạo.
Về xét tuyển và bố trí việc làm: Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm. Thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.